Lượng tiền gửi vào ngân hàng lập kỷ lục mới, vượt 13,4 triệu tỷ đồng
Tính đến cuối tháng 4/2024, số tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng.
Số liệu thống kê tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 4/2024, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, cho thấy lượng tiền gửi của cá nhân và tổ chức tăng mạnh.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán đến cuối tháng 4/2024 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các TCTD đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 120 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng hơn 81 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn giảm hơn 133 nghìn tỷ đồng (tương đương giảm 1,95%).
Tiền gửi của dân cư tăng hơn 39,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4 và đạt hơn 6,7 triệu tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới. Trái ngược với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi của dân cư lũy kế 4 tháng đầu năm tăng hơn 183 nghìn tỷ đồng (2,8%).
Tháng 4/2024 là thời điểm các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, nhìn chung xu hướng lãi suất huy động giảm vẫn chiếm thế áp đảo. Lãi suất huy động chỉ thực sự tăng đồng loạt tại hầu hết ngân hàng thương mại từ tháng 5/2024 và kéo dài đến nay.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.
Theo khảo sát của Vụ Dự báo và Thống kê (NHNN), các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024.
Hiện các ngân hàng “rục rịch” tăng lãi suất huy động, có một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất cao nhất lên đến 6%-6,1% một năm. Động thái này có thể hấp dẫn dòng tiền từ dân cư đổ vào ngân hàng, duy trì thanh khoản hệ thống ở mức dồi dào.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.