Lượt tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tăng gần 2,5 lần trong COVID-19

Tiêu dùng và Tiếp thị
09:04 PM 05/08/2021

Trong đại dịch, người dân chủ yếu chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách sử dụng hương thơm, ánh sáng, theo thống kê của iPrice. Người Việt quan tâm nhiều nhất tới nến thơm với lượt tìm kiếm tăng vọt 481% trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2019, và tăng 142% so với năm 2020. Lượt tìm kiếm đèn trị liệu cũng tăng lần lượt 236% và 106%.

Tính đến 14h ngày 5/8, thế giới ghi nhận hơn 200 triệu người mắc COVID-19, trong đó gần 4,3 triệu trường hợp tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch gây khủng hoảng đến sức khỏe tâm thần hay sức khỏe tinh thần (Mental Health) của người dân theo nhiều cách khác nhau, từ nỗi lo lắng bị nhiễm bệnh, tác động tâm lý khi giãn cách xã hội đến sự căng thẳng liên quan đến tài chính như thất nghiệp và liên kết xã hội.

Thực hiện nghiên cứu lượt tìm kiếm của người dân tại Việt Nam và khu vực trong đại dịch COVID-19, iPrice Group cho biết nhu cầu tìm kiếm thông tin dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe tâm thần có xu hướng tăng vọt.

So sánh lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần từ Google trong 3 năm gần đây ở Đông Nam Á, báo cáo iPrice chỉ ra rằng lượt tìm kiếm tăng trung bình 62% so với năm 2020 và tăng mạnh 144% so với năm 2019.

Cụ thể, Indonesia, Philippines và Malaysia có lượt tìm kiếm cao nhất trong 5 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019 lần lượt là 231%, 128% và 109%. Indonesia và Philippines cho thấy mức tăng cao nhất trong năm đầu tiên của đại dịch (lần lượt là 80% và 44%), và có nguy cơ sẽ vẫn tiếp tục đà này khi virus corona tiếp tục lây lan.

iPrice: Lượt tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tăng gần 2,5 lần trong COVID-19 - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, mức tìm kiếm liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cũng thể hiện mức tăng 61% so với năm 2019. Dù có số lượt tìm kiếm thấp nhất trong các nước, điều này cho thấy rằng người Việt đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch.

Hai nước có tỷ lệ quan tâm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thấp nhất đó là Singapore và Thái Lan, lần lượt được người dân tìm kiếm nhiều hơn trước 25% và 41% so với năm 2019.

Người Việt mua gì để giải tỏa căng thẳng mùa dịch?

Trong đại dịch, người dân chủ yếu chăm sóc sức khỏe tinh thần bằng cách sử dụng hương thơm, ánh sáng. Sản phẩm nến thơm được người Việt quan tâm nhiều nhất với lượt tìm kiếm tăng vọt 481% trong năm tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2019, và tăng 142% so với năm 2020. Tương tự, lượt tìm kiếm đèn trị liệu cũng tăng lần lượt 236% và 106%.

Các sản phẩm hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu như chăn trọng lượng, sách tô màu, máy mát xa lưng và cổ cũng được người dùng tìm nhiều hơn lần lượt là 176%, 105% và 90% so với năm 2019. Trà thảo mộc, tinh dầu có mức tăng thấp hơn ở mức 75% và 56%.

iPrice: Lượt tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tăng gần 2,5 lần trong COVID-19 - Ảnh 2.

Nghiên cứu danh sách các ứng dụng sức khỏe tâm thần tốt nhất vào năm 2021 từ VeryWell Mind, báo cáo iPrice cho thấy người Việt dành nhiều sự quan tâm đến các ứng dụng chăm sóc tinh thần. Cụ thể, ứng dụng thiền Headspace chiếm số lượng người quan tâm cao nhất. Trong khi đó, mức tăng ấn tượng thuộc về ứng dụng làm dịu sự căng thẳng và lo lắng Shine với 454% so với hai năm trước.

Ở các nước láng giềng, khi các làn sóng virus corona kéo dài, tỷ lệ tự sát đã trở nên báo động. Ví dụ, tỷ lệ tự tử ở Malaysia đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và năm 2019. Tỷ lệ này ở Philippines cũng tăng gần 26% khi đại dịch bùng phát, Thái Lan với khoảng 22% so với năm 2019.

Tại Việt Nam, nguy cơ rối loạn tâm thần gia tăng trong đại dịch COVID-19 cũng đã được cảnh báo gần đây. Vậy nên, sức khỏe tâm thần bị "tác động tàn phá" từ đại dịch là không hề nhỏ, đặc biệt khi đối mặt với làn sóng COVID-19 liên tiếp.

Điều này chỉ báo rằng người dân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân, tìm kiếm sự can thiệp của chuyên gia tâm lý và dịch vụ chăm sóc sức khỏe khi cần thiết.

Bình An
Ý kiến của bạn
PGS. TS Phạm Trung Lương: Cần chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển xứng tầm PGS. TS Phạm Trung Lương: Cần chính sách đặc thù để Phú Quốc phát triển xứng tầm

Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), Thành viên Tổ chuyên gia Tư vấn Quy hoạch Quốc gia, cùng với cơ chế chính sách phù hợp, Phú Quốc cũng cần sự đầu tư đúng trọng tâm trọng điểm của nhà nước chứ không chỉ trông chờ vào đầu tư từ xã hội hóa, nguồn lực tư nhân.