Lý do bất ngờ khiến xe sang BMW thất thế trước 'xe Tàu" ở Trung Quốc: Khách đòi trên xe có mic hát karaoke, kết nối mạng xã hội và thanh toán QR code!

Tiếp thị
05:54 PM 13/10/2021

Christoph Grote, Giám đốc mảng ô tô kỹ thuật số của BMW cho biết: "Chúng tôi xác định rằng đây là một thử thách. Khi nói đến công nghệ kỹ thuật số trên xe hơi, người Trung Quốc là những người tiêu dùng khắt khe nhất."

Tại các showroom phương Tây, các đại lý BMW hiếm khi phải trả lời câu hỏi: "Tôi có thể hát karaoke trong ô tô không?". Nhưng tại Trung Quốc, câu hỏi này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bán xe của họ.

Khách hàng tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới đang đòi hỏi những ứng dụng hát karaoke như Changba phải được tích hợp trên xe của họ. Các nhà sản xuất xe địa phương như XPeng Inc., Nio Inc. và BYD Co. đang dẫn đầu xu hướng này khi vượt mặt các đối thủ phương Tây qua việc cung cấp những mẫu xe có micrô karaoke.  Ngoài âm nhạc, những khách hàng mua xe Trung Quốc cũng có nhu cầu được truy cập tiện lợi nhiều tính năng như kết nối mạng xã hội và hình thức thanh toán ngay trong xe.

Christoph Grote, Giám đốc mảng ô tô kỹ thuật số của BMW cho biết: "Chúng tôi xác định rằng đây là một thử thách. Khi nói đến công nghệ kỹ thuật số trên xe hơi, người Trung Quốc là những người tiêu dùng khắt khe nhất."

Khai thác thị hiếu địa phương là điều cốt yếu để giành được thị phần tại Trung Quốc. Ở thị trường này, các ứng dụng ô tô điện đang phát triển nhanh chóng và những sản phẩm ô tô nội địa đang mọc lên như nấm. Đây là thị trường lớn nhất của các đại lý ô tô BMW và Volkswagen, khi  chiếm lần lượt đến 36% và 40% tổng doanh thu của hai hãng trên toàn cầu.

Các thương hiệu ô tô địa phương đang cố hết sức để giành được thị phần từ những người sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ. Đầu năm nay, công ty Zhejiang Geely Holding Group đã cho ra mắt Zeekr, một mẫu xe sử dụng năng lượng điện hoàn toàn nhắm đến đối tượng khách hàng gen Y (những người sinh từ khoảng 1980 đến đầu những năm 2000). Đồng thời các nhà sản xuất ô tô cũng dùng những người có tầm ảnh hưởng ở địa phương để quảng bá các mẫu xe do việc mua hàng trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến.

Theo Kearney, các nhà sản xuất phương Tây đang trở nên tụt hậu so với Trung Quốc trong việc tích hợp hệ sinh thái kỹ thuật số vào ô tô. Một báo cáo năm ngoái của công ty này cho biết, hơn 2/3 số người tiêu dùng địa phương coi các ứng dụng điều hướng của Trung Quốc là tính năng thiết yếu và các thương hiệu phương Tây đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên "vạn vật kết nối" này.

Thị trường khổng lồ

Ông Bill Russo - Giám đốc điều hành công ty tư vấn TNHH Automobility (trụ sở đặt tại Thượng Hải) cho biết: Trong khi các nhà sản xuất ô tô phương Tây coi việc kết nối kỹ thuật số là dịch vụ họ có thể tính thêm tiền cho khách hàng theo cách truyền thống, các công ty Trung Quốc, đối thủ của họ, lại coi nó như một tính năng thiết yếu để tích hợp các dịch vụ của bên thứ ba vào ô tô.

Russo nói: "Các đơn vị địa phương của Trung Quốc đang chi phối những dịch vụ kỹ thuật số, trong khi đó các công ty đa quốc gia thường ít có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp địa phương để tạo ra doanh thu từ những dịch vụ này.

BMW chưa cung cấp tính năng hát karaoke trên ô tô, nhưng đã hợp tác với công ty cổ phần đầu tư Tencent Holdings để tích hợp chức năng thanh toán phí đỗ xe qua ứng dụng WeChat Pay.

Ông Grote cho biết: BMW đang có kế hoạch sử dụng liên doanh được thành lập vào năm ngoái với công ty Technology Nanjing (trụ sở tại Nam Kinh) để tăng cường các tính năng kết nối và mở rộng các quan hệ đối tác bổ sung, Grote cho biết.

Ông nói: "Đối với thị trường Trung Quốc, bạn cần có một lộ trình công nghệ và cần thiết sử dụng năng lực địa phương. Liên doanh của chúng tôi cho phép chúng tôi phát triển trực tiếp trong hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc."

Tham khảo Bloomberg

Hường Hoàng
Ý kiến của bạn