Lý do khiến vốn FDI vẫn tăng bất chấp COVID-19

Đầu tư và Tiếp thị
03:34 PM 16/04/2021

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam thời gian qua vẫn khởi sắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp...

Theo Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tính đến 20/03/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sau đại dịch COVID-19 nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này.

Lý do khiến vốn FDI vẫn tăng bất chấp COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Có thể thấy sự thành công của Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua nhờ vào một số yếu tố.

Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.

Sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất.

Nhận định trên VnEconomy, ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư đặc biệt các nhà FDI bao giờ cũng hành xử theo động cơ của họ. Họ cần nơi đầu tư an toàn, thuận lợi, có lợi nhuận và tính đến đóng góp cho nền kinh tế địa phương. Trong năm 2020 Việt Nam đã chứng tỏ được đây là điểm đến có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định về kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và đây chính là những yếu tố vô cùng quan trọng với bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào.

Mặt khác, khả năng kiềm chế, khống chế dịch bệnh của Việt Nam trong năm qua rất tốt, tốt hơn rất nhiều so với các quốc gia khác đang cạnh tranh về nguồn vốn FDI với Việt Nam. Điểm sáng này khiến họ cảm thấy đây là địa điểm có thể duy trì sản xuất, duy trì cung ứng hàng hoá, dịch vụ cho nền kinh tế toàn cầu ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Cũng chính điều này giúp họ giảm được cú sốc từ quá trình rung chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch.

"Chính sách thu hút FDI mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn; nhiều cơ hội tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... là những chất xúc tác hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới", ông Bình khẳng định.

Trong năm 2020 phần lớn các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vẫn duy trì tốt được sản xuất, duy trì được chuỗi cung ứng toàn cầu. "Tiếng lành đồn xa", Việt Nam có hình ảnh tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư nên tiếp tục thu hút nhiều thương vụ đầu tư lớn của các nhà đầu tư, nhiều dự án sản xuất được mở rộng.

Cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871 nghìn ha.

Trong những năm gần đây, chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng được nâng cao do Chính phủ chú trọng đầu tư vào giáo dục công. Người lao động được bồi dưỡng về văn hóa, đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn đã góp phần tăng năng suất lao động của Việt Nam, đây cũng là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.

Hoài Thương (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 Hà Nội: Sẵn sàng cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024

Hưởng ứng và triển khai các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 tại Hà Nội.