Lý do xuất khẩu gạo giảm hơn 30% trong quý I/2021
Xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị. Nhiều khó khăn khiến xuất khẩu gạo giảm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết thúc quý I năm nay, ngành hàng lúa gạo của Việt Nam ghi nhận kết quả xuất khẩu gạo khá ảm đạm khi khối lượng xuất khẩu 1,1 triệu tấn, giảm mạnh 30,4% so với cùng kỳ và giá trị đạt 606 triệu USD, giảm ở mức 17,4%.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết số lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân chính vì ngay từ đầu năm 2021 các doanh nghiệp không thuê được container, một số thuê được thì số lượng cũng rất hạn chế.
“Số lượng container hạn chế đã khiến cước container tăng cao từ gấp 3 lên đến gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2020, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng gạo xuất khẩu bị giảm", ông Phạm Thái Bình nói.
Còn theo ông Triệu Thế Thuận - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ, vỏ container rỗng đang thiếu bởi dịch bệnh COVID-19 làm thương mại đình trệ nên vỏ container ách tắc lại ở nước nhập khẩu (đặc biệt là tại Châu Âu), khiến vỏ container thiếu nghiêm trọng trong quý I/2021.
Bên cạnh những khó khăn về container, cước tàu biển và thị trường xuất khẩu, ngành gạo Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả với các nước.
Các nước xuất khẩu như Thái Lan và Ấn Độ gần đây liên tục điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu đã buộc các nhà xuất khẩu gạo Việt kể từ cuối quý I/2021 tới nay điều chỉnh giảm giá gạo mạnh.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến phiên giao dịch ngày 8/4, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã sụt giảm mạnh tới 35 USD/tấn so với phiên giao dịch ngày 26/3/2021. Cụ thể, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 483-487 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với phiên ngày 7/4 và giảm mạnh 35 USD/tấn so với mức giá đỉnh điểm là 522 USD/tấn ngày 26/3.
Một thương nhân xuất khẩu gạo tại Long An cho biết, chúng ta đã mất lợi thế vì chi phí logistics quá cao. Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ dù điều chỉnh giá giảm nhưng đồng Baht và Rupee của các nước này giảm giá so với đôla Mỹ đã giúp họ có giá gạo xuất khẩu khá cạnh tranh. Hiện gạo 5% tấm của Thái Lan đang ở mức thấp, 480-483 USD/tấn còn Ấn Độ là 408-412 USD/tấn.
Bên cạnh đó, việc giá xuất khẩu liên tục giảm sâu cũng gây áp lực lên thị trường lúa gạo trong nước. Theo đó, từ giữa tháng 3 tới nay giá lúa gạo trong nước đã được chiều chỉnh giảm nhiều lần, trong đó, chỉ riêng với lúa thường hạt dài nếu như thời điểm giữa tháng 3/2021 ở mức cao trên 7.000 đồng/kg thì nay đã giảm về mức bình quân khoảng 6.300 đồng/kg.
Giải thích thêm về nguyên nhân xuất khẩu gạo giảm, nhiều thương nhân cho biết: trong 3 tháng qua, các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc nhập khẩu gạo rất ít nên xuất khẩu gạo quý I/2021 bị giảm. Tính đến thời điểm này, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, riêng trong 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang quốc gia này đã chiếm tới 38,3% thị phần. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu sang Philippines đã giảm 28,3%, chỉ đạt 225,9 nghìn tấn với 137,6 triệu USD.
Ở các thị trường nhỏ hơn, khối lượng xuất khẩu gạo cũng bị giảm sút. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Mozambique (giảm 83,6%).
Nhung T. (Tổng hợp)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.