Lý giải nguyên nhân dẫn đến những cơn sốt đất đầu năm 2021
Các luật sư, chuyên gia quy hoạch và nhiều các doanh nghiệp bất động sản đã tham gia buổi tọa đàm “Giải mã cơn sốt đất”. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất đầu năm 2021.
- Giữa cơn sốt đất nền, có một phân khúc bất động sản khác tại Việt Nam đang tăng trưởng nóng, xếp thứ 10 thế giới
- Chuyện lạ: Trong khi cả thế giới sốt đất, người dân Nhật Bản được chính phủ 'phát nhà' nhưng vẫn thờ ơ
- GS Đặng Hùng Võ hiến kế chặn sốt đất: Cấm chuyển nhượng, đánh thuế cao người mua đất nền mà không xây nhà
Theo các chuyên gia, cơn sốt đất hiện nay có nhiều nguyên nhân mang tính cộng hưởng.
Trước hết, những cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và mỗi lần như vậy lại tạo lập một biểu giá mới nên điều này cũng dễ hiểu.
Nguyên nhân tiếp theo là nhiều địa phương công bố, công khai các quy hoạch mới. Điều này xuất phát từ việc Luật Quy hoạch năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, yêu cầu các quy hoạch phải đảm bảo sự xuyên suốt và thống nhất, công khai và minh bạch từ cấp Quốc gia, cấp vùng cho đến cấp tỉnh.
Với thị trường bất động sản, việc điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy hoạch, công bố quy hoạch mới là chất xúc tác quan trọng nhất để kích thích thị trường tăng trưởng.
Thế nhưng, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá trị cao, trong khi các nhà đầu tư thì nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch.
Thực chất, quy hoạch rất nhiều bước phức tạp. Lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nhận định: "Sự điều chỉnh quy hoạch là một "lỗ hổng" trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch của nhà nước".
Ngoài ra, các chuyên gia cùng cho rằng, việc thu hút và xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ là một trong những nguyên nhân gây ra sốt đất. Sau kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp thành công tốt đẹp, bộ máy tổ chức chính quyền đã ổn định và vào cuộc quyết liệt trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Sự quan tâm, tham gia đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản tại các địa phương. Từ những thông tin như vậy, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực có định hướng phát triển đô thị.
Trong các cơn sốt đất, người đầu tiên và cũng là người cuối cùng chịu hậu quả vẫn chính là các nhà đầu tư lao vào cơn sốt đất. Khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi. Chính vì thế việc thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.
Còn Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) - ông Trần Ngọc Minh nêu ví dụ: "Giả sử như việc Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên Quận và bắt đầu đầu tư giai đoạn khởi điểm nên nhiều người đầu tư và trở thành nguyên nhân đẩy giá đất. Giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn - ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%. Đột biến tăng 200%".
Nguyên nhân khác được nhiều chuyên gia cùng đưa ra là lệch pha cung - cầu. Giai đoạn năm 2018 - 2020, các cấp chính quyền vào cuộc tổng rà soát lại các vấn đề về pháp lý, quy hoạch, đầu tư dự án sau khi xuất hiện sai phạm pháp luật nghiêm trọng về đất đai tại các địa phương. Điều này làm cho nguồn cung sơ cấp trên thị trường bất động sản nhiều nơi sụt giảm, nhất là ở các đô thị lớn, những nơi có thị trường bất động sản phát triển sôi động, giá cả tăng cao do chênh lệch về cung - cầu, đồng thời, đã tạo nên mặt bằng giá cao tại các đô thị. Nhà đầu tư lấy đó làm thước đo về giá cả hàng hóa và kéo dòng vốn đầu tư về vùng ven và khu vực lân cận, gây nên sốt đất tại các khu vực này.
Hoài Thương (Tổng hợp)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.