Lý giải nguyên nhân TP.HCM vẫn giữ nguyên hệ số K

Đầu tư và Tiếp thị
03:34 PM 16/04/2021

Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình về phương án xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 trên địa bàn TPHCM. Theo đó, TP.HCM sẽ không tăng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2021 mà sẽ giữ nguyên hệ số giá đất như năm 2020 để ổn định tình hình kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lý giải cho việc giữ nguyên hệ số K, Sở Tài chính TPHCM cho biết, căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất thì giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh hệ số K tăng quá cao sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội, cộng với tình hình dịch bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Lý do TP.HCM giữ nguyên hệ số K dù giá đất tăng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhận định về chủ trương này trên báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng: "Trong lúc chúng ta đang than phiền đất đai tăng giá ảo như hiện nay thì việc TP chưa tăng hệ số K trong năm nay là hợp lý".

Nhất trí với giải thích của Sở Tài chính, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng chia sẻ  rằng: khung giá đất của Nhà nước và thị trường luôn có biến động. Giá đất thị trường hiện biến động ở mức khó hiểu, nó còn mang tính đầu cơ như giá lên thì chưa chắc đã bán được, hoặc khi bán thì không bán ở mức cao như vậy. Trên thực tế, hệ số K có thay đổi thì vẫn luôn hụt hơi so với giá thị trường. Do vậy, việc đưa hệ số K gần thị trường hơn gần như không có công thức. 

Khi hệ số K điều chỉnh theo hướng tăng sẽ làm tăng giá đất theo khung giá của Nhà nước. Điều này có thể tác động đến tâm lý của người sở hữu đất trên cùng tuyến đường và họ sẽ chào bán với mức giá cao hơn. Bởi hệ số K là hệ số dùng để tính giá đất theo khung giá của Nhà nước quy định. Khi hệ số này điều chỉnh theo hướng tăng thì sẽ làm tăng giá đất theo khung giá của Nhà nước.

Ví dụ, theo khung giá của Nhà nước, đất trên con đường A là 10 triệu đồng/m2, nếu hệ số K là 1,2 thì giá đất theo khung giá của Nhà nước sẽ là 12 triệu đồng/m2.

“Tăng hệ số K, Nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất cao hơn nhưng sẽ tác động đến mặt bằng giá đất khu vực và Nhà nước có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chi phí giải phóng mặt bằng ở các công trình giao thông công cộng khác. Vì vậy, việc điều chỉnh hệ số K cần cân nhắc cẩn trọng” - ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) giải thích.

Hoài Thương (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.