M&A bất động sản 2025 tiếp tục nghiêng về khối ngoại
Tiềm năng của bất động sản Việt Nam đã trở thành "môi trường lý tưởng" cho khối ngoại "săn" và đầu tư vào những dự án có quy mô lớn.
Năm 2024, thị trường M&A bất động sản Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tổng giá trị 13 thương vụ M&A bất động sản nổi bật năm 2024 đạt hơn 1,8 tỷ USD.
![M&A bất động sản 2025 tiếp tục nghiêng về khối ngoại- Ảnh 1. M&A bất động sản 2025 tiếp tục nghiêng về khối ngoại- Ảnh 1.](https://dntt.mediacdn.vn/thumb_w/640/197608888129458176/2025/2/13/ma-bds-17394534614412011544974.png)
Theo các chuyên gia, "cuộc đua" M&A năm 2024 có phần nghiêng về khối ngoại với các thương vụ hàng trăm triệu USD. Các đại gia nước ngoài đã nhanh chóng chớp thời cơ để thâu tóm dự án.
Có thể kể đến thương vụ Kim Oanh Group ký kết hợp tác với 4 đối tác Nhật Bản là Sumitomo Forestry, Kugamai Gumi, NTT Urban Development và AEON để cùng phát triển dự án Một Thế Giới - The One World tại Bình Dương.
Còn Becamex IDC chuyển nhượng một dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited - công ty con của CapitaLand Group từ Singapore.
Hiện nay, thị trường có thêm nhiều “tay chơi” mới tham gia cuộc chơi như Lotte Group, GS, Sumitomo, Hong Kong Land...
Chuyên gia của Savills Hà Nội nhìn nhận, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng "bạo chi" để thâu tóm các dự án tiềm năng, đặc biệt trong phân khúc bất động sản nhà ở, nhằm tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của thị trường sau khủng hoảng.
Theo quan sát của Savills, các nhà đầu tư tới từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hoạt động tích cực nhất trên thị trường M&A Việt Nam. Bên cạnh đó, Mỹ và châu Âu cũng ngày càng quan tâm tới thị trường nước ta.
Thị trường M&A bất động sản năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục nghiêng về khối ngoại, và có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất, tiềm lực tài chính mạnh mẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" những dự án quy mô lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn về dòng vốn. Các doanh nghiệp trong nước, dù sở hữu quỹ đất dồi dào, vẫn phải "ngậm ngùi" nhường sân vì thiếu vốn để triển khai. Thứ hai, kinh nghiệm dày dặn trong quản lý và vận hành dự án bất động sản của khối ngoại mang đến sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, đồng thời giúp nâng cao giá trị và hiệu quả dự án.
Cushman & Wakefield cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2024 - 2026, một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Các nhà đầu tư gốc Á từ Singapore, Malaysia... nhiều khả năng sẽ tiếp tục chiếm sóng trên thị trường.
Sự phát triển của thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam năm 2024 - 2025 không chỉ là kết quả của các yếu tố kinh tế và chính trị ổn định mà còn là minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường này đối với các nhà đầu tư quốc tế. Một số yếu tố chính thúc đẩy thị trường bao gồm chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Các chính sách này bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cung cấp các ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư.
Đáng chú ý, mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.
Minh An (t/h)![Kinh tế đêm đã hồi sinh ra sao sau đại dịch?](https://dntt.mediacdn.vn/zoom/452_283/197608888129458176/2025/2/14/1739503171298689229292-0-0-499-799-crop-1739503597110313405946.jpg)
Trong chiến dịch phục hồi và tái thiết nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng sau đại dịch COVID-19, nhiều nơi trên thế giới đã chọn phát triển kinh tế đêm như một “cây đũa thần” để thu hút khách, gia tăng nguồn thu.