M&A và IPO (Từ 2/1 - 5/1): VN-Index giữ được sắc xanh
Đóng cửa thị trường ngày 5/1, VN-Index tăng 3,96 điểm (0,34%), lên mức 1154,68 điểm; VN30-Index dừng ở mức 1161,14 điểm, tăng 4,77 điểm (0,41%).
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản ghi nhận đạt 1,140 tỷ đồng. Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,09%), lên mức 232,76 điểm; HNX30-Index lên ở mức 497,39 điểm sau khi tăng 1,39 điểm (0,28%).
Trong tuần này có 8 thương vụ M&A được thực hiện.
1. CTCP Chứng khoán Sen Vàng (OTC: GLS) thông báo chia tay loạt cổ đông lớn
Theo báo cáo giao dịch, 4 cổ đông lớn vừa đồng loạt thoái sạch cổ phiếu đang nắm giữ tại CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) trong cùng một ngày.
Ngày 29/12/2023, cổ đông lớn Trần Phương thoái sạch 1,32 triệu cp GLS nắm giữ (tỷ lệ 9,81%); 2 cổ đông lớn khác là Nguyễn Anh Dũng và Phùng Thị Cẩm Nhung cùng thoái hơn 1,37 triệu cp, cùng tỷ lệ 10,18%. Còn cổ đông lớn Nguyễn Thùy Quyên thoái hết hơn 1 triệu cp, tương đương 7,53%. Sau giao dịch, 4 cá nhân này không còn là cổ đông của Công ty.
2. Người thân Chủ tịch của CTCP Thép Pomina (HOSE: POM) vừa thông báo bán hơn 5 triệu cp POM
Hai người thân của Chủ tịch Pomina Đỗ Duy Thái vừa bán ra hơn 5 triệu cp trong 2 tuần qua. Mới đây, bà Đỗ Thị Nguyệt - em gái của Chủ tịch Thái - đã bán toàn bộ hơn 1,2 triệu cp POM nắm giữ trong giai đoạn 21-25/12/2023.
Một người em khác của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc bán ra 3,9 triệu cp từ ngày 15/12/2023-02/01/2024. Sau giao dịch, bà Ngọc còn sở hữu gần 4 triệu cp POM, tương đương 1,43% vốn tại Pomina. Bà cũng tiếp tục đăng ký bán hơn 1,6 triệu cp POM trong giai đoạn 08/01-06/02/2024.
3. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines, UPCoM: MVN) thông báo đấu giá toàn bộ cổ phần của CTCP Vận tải biển Hải Âu (SESCO, UPCoM: SSG).
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines, UPCoM: MVN) chuẩn bị bán đấu giá công khai hơn 1.3 triệu cp, tương ứng 26.46% vốn tại CTCP Vận tải biển Hải Âu (SESCO, UPCoM: SSG).
Theo kế hoạch, MVN sẽ chào bán công khai toàn bộ hơn 1,3 triệu cp SSG đang nắm giữ, (tương đương 26,46% vốn điều lệ SSG) với giá khởi điểm 22,300 đồng/cp, tổng giá trị thu về ước tính khoảng 29,5 tỷ đồng. Mức giá chào bán cao gấp 2,3 lần mệnh giá và gấp gần 2 lần so với giá đóng cửa 11,300 đồng/cp tại phiên gần nhất (02/01/2024).
Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có nhu cầu, bao gồm nhưng không giới hạn cổ đông hiện hữu của Công ty. Nhà đầu tư đăng ký và nộp tiền đặt cọc từ 8h ngày 29/12/2023 đến 15h30 ngày 22/01/2024, tại các đại lý đấu giá do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố; nộp phiếu tham dự đấu giá chậm nhất 16h ngày 25/01/2024, tại trụ sở và chi nhánh của các đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký và nộp tiền đặt cọc.
Buổi đấu giá dự kiến tổ chức ngày 29/01/2024, tại HNX. Thời gian để nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 29/01 đến ngày 03/02/2024, thời gian hoàn tiền đặt cọc từ ngày 30/01 đến ngày 02/02/2024.
4. Một cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) thông báo bán khớp lệnh gần 5 triệu cp NVL
Sau CTCP Novagroup, một cổ đông lớn khác của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) là CTCP Diamond Properties cũng đã hoàn tất bán ra gần 4,8 triệu cp đăng ký trước đó.
Giao dịch diễn ra trong thời gian từ ngày 21-29/12/2023. Toàn bộ giao dịch đều được thực hiện thông qua khớp lệnh.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Diamond Properties tại NVL giảm từ 9,24% xuống còn 8,99%, tương đương hơn 175 triệu cp. Ước tính giá trị thương vụ của cổ đông này đã vượt mức 80 tỷ đồng.
5. CTCP Schengen Invest thông báo chi 100 tỷ mua vào cổ phiếu của CTCP In Số 4 (UPCoM: IN4)
HNX thông báo về việc Schengen Invest tiếp tục mua vào hơn 225 ngàn cp In Số 4 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 46,29% từ ngày 26/12/2023 với lý do đầu tư.
Trước khi thực hiện giao dịch này, CTCP Schengen Invest nắm giữ hơn 329 ngàn cp, tương ứng tỷ lệ 27,48% của CTCP In Số 4 (UPCoM: IN4). Đây cũng là số cổ phiếu mà Schengen Invest vừa thực hiện mua vào hôm 22/12/2023.
6. Người thân lãnh đạo của CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) thông báo đăng ký thoái toàn bộ vốn
Từ ngày 09/01-07/02/2024, ông Nguyễn Song Toàn đăng ký bán toàn bộ gần 1,1 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH), tương đương 1,43% vốn. Nếu giao dịch thành công, ông Toàn sẽ không còn là cổ đông của MSH.
Ông Toàn cho biết mục đích thoái vốn nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Ước tính vị này có thể thu về hơn 40 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký.
7. Thành viên Ban Kiểm soát của CTCP Ô tô TMT (HOSE: TMT) trở thành cổ đông lớn
Bà Lê Thị Ngà - Thành viên Ban Kiểm soát CTCP Ô tô TMT (HOSE: TMT) đã mua thành công toàn bộ hơn 1,6 triệu cp TMT. Cụ thể, bà Ngà đăng ký mua hơn 1,6 triệu cp TMT trong thời gian từ ngày 03-31/01/2024, tuy nhiên chỉ trong ngày 03/01, bà đã hoàn thành giao dịch. Được biết, toàn bộ giao dịch của bà Ngà đều thông qua thỏa thuận. Ước tính giá tị giao dịch của bà Ngà đạt hơn 26 tỷ đồng.
8. Quỹ thành viên thuộc nhóm Dragon Capital thông báo mua cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH)
Sở hữu của nhóm quỹ Dragon Capital quay lại ngưỡng trên 11% tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH), sau khi ba quỹ thành viên mua vào tổng cộng hơn một triệu cp KDH, nối tiếp đà mua ròng của nhóm này trong năm 2023.
Cụ thể, ba trong số 10 quỹ thành viên thuộc nhóm Dragon Capital bao gồm Venner Group Limited, CTBC Vietnam Equity Fund và Hanoi Investment Holdings Limited đã mua vào lần lượt 436,9 ngàn, 364,9 ngàn và 257,6 ngàn cp KDH trong phiên 29/12/2023, tổng cộng hơn một triệu cp. Qua đó nâng sở hữu tại KDH lên 0,75%, 3,55% và 0,22%, đưa sở hữu của cả nhóm Dragon Capital lên gần 11,08%, tương đương hơn 88,5 triệu cp. Ước tính nhóm Dragon Capital đã chi ra khoảng 33,3 tỷ đồng cho thương vụ.
VN-Index kỳ vọng tích cực nối dài đà tăng năm 2024_là chủ đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Theo các chuyên gia, năm 2024 được kỳ vọng sẽ ghi nhận sự hồi phục tích cực trở lại của nền kinh tế Việt Nam nói chung và có thể là năm thuận lợi cho sự tăng trưởng cao của thị trường chứng khoán từ chỉ số VN-Index cuối năm 2023.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2024 có thể kể đến như: Xu hướng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, điển hình là Cục Dự trữ liên bàng Mỹ (Fed) sẽ tạo ra những thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi duy trì mặt bằng lãi suất thấp và giảm dần, tỷ giá VNĐ ổn định, có điều kiện tăng dự trữ ngoại hối, tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
Dựa trên nền tảng vĩ mô đó, doanh nghiệp niêm yết có nhiều cơ hội tiếp cận vốn vay giá rẻ, góp phần hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng doanh thu lợi nhuận và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung sẽ có nhiều dư địa để tăng trưởng khi dòng vốn trong nền kinh tế có sự dịch chuyển tích cực vào kênh này.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hồi phục kinh tế thông qua chính sách tài khoá khi tiếp tục giảm thu (miễn giảm thuế VAT, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, giảm tiền thuê đất…) và tăng chi (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều ngành nghề và doanh nghiệp trong nền kinh tế).
Việt Nam cũng là điểm đến thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khi vĩ mô ổn định, đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện với Mỹ, phát triển hơn nữa với nước láng giềng Trung Quốc và giữ quan hệ mật thiết với các khối kinh tế lớn thông qua các hiệp định thương mai tự do…
Các chuyên gia khuyến nghị các nhà đâu tư "Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới. Xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 40-45% danh mục."
Khép lại phiên giao dịch ngày 5/1/2024, mã PGT đóng cửa với mức giá 3,800 VNĐ./
Hãy theo dõi các kênh của PGT Holdings để cập nhật thông tin sớm nhất nhé:
Website: https://pgt-holdings.com
Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured
Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.