M&A và IPO (Từ 21/10- 26/10): VN-Index vẫn đang trong "kênh tích lũy"
Kết thúc phiên giao dịch 25/10, VN-Index giảm 4,69 điểm (0,37%), về mức 1252,72 điểm; HNX-Index giảm 0,06 điểm (0,03%), về mức 224,63 điểm. Thị trường nghiêng về sắc đỏ với bên bán với 377 mã giảm và 286 mã tăng.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 525 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 12,4 ngàn tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 36,3 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 582 tỷ đồng.
Trong tuần này có 9 thương vụ M&A được thực hiện.
1. Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) thông báo mua cp CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (Fideco, HOSE: FDC)
Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank Capital) báo cáo đã mua 3 triệu cp CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư TPHCM (Fideco, HOSE: FDC) trong ngày 17/10, nâng sở hữu từ 4,79% lên 12,56% (4,85 triệu cp) và trở thành cổ đông lớn. Ước tính giá trị 48 tỷ đồng.
2. HĐQT Vinalines (UPCoM: MVN) thông bao phương án chào bán vốn sở hữu tại Transco (HNX: TJC)
Ngày 17/10, HĐQT Vinalines (UPCoM: MVN) thông qua phương án chào bán công khai toàn bộ 33,49% vốn sở hữu tại Transco (HNX: TJC), với giá khởi điểm cao hơn 55% thị giá.
Theo phương án, Vinalines sẽ chào bán toàn bộ 2,88 triệu cp TJC (chiếm 33,49% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), dự kiến thực hiện trong quý 4/2024.
Ước tính thương vụ này giúp Vinalines thu về khoảng 76 tỷ đồng. Đáng chú ý, mức giá chào bán cao hơn 55% so với thị giá TJC bình quân gần đây khoảng 17,000 đồng/cp.
3. CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) thông báo bán cp của CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco (HNX: SAF)
CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) - cổ đông lớn thứ hai của CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco (HNX: SAF) đã bán ra hơn 2 triệu cp trong phiên 16/10/2024.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của công ty chứng khoán này tại SAF giảm từ 16,64% xuống còn 0,02%, tương đương 3,000 cp, qua đó SHS không còn là cổ đông lớn của SAF.
4. CTCP Đông Hải Bến Tre (HOSE: DHC) vừa thông báo về việc nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Giấy Giao Long.
Cụ thể, Công ty sẽ nhận chuyển nhượng gần 400 ngàn cổ phần với giá 11,000 đồng/cp. Sau giao dịch, tổng sở hữu của DHC tại Giấy Giao Long sẽ tăng lên 35,79 triệu cp. Thời điểm nhận chuyển nhượng chậm nhất là ngày 31/10/2024.
DHC sẽ chi hơn 4,37 tỷ đồng cho thương vụ này. Danh sách chuyển nhượng cổ phần gồm 3 cá nhân là Nguyễn Thanh Nghĩa, Trương Thị Phiêu và Trần Văn Ngân.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2024, DHC đang sở hữu 98,32% tại Giấy Giao Long, giá trị đầu tư gần 354 tỷ đồng.
5. Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital thông báo bán cp của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG).
Ngày 24/10 vừa qua, nhóm quỹ đầu tư thuộc quản lý của Dragon Capital báo cáo đã bán ra tổng cộng 800 ngàn cp của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG). Các tổ chức bán ra đợt này có Norges Bank, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Warehame Group Limited.
Như vậy, tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm giảm từ 79,4 triệu cp xuống xấp xỉ 78,6 triệu cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu từ 11% xuống còn 10,9%.
6. Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) thông báo mua cp của CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (UPCoM: WSB)
Từ ngày 28/10-25/11, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HOSE: SAB) sẽ mua thỏa thuận hơn 2 triệu cp CTCP Bia Sài Gòn - Miền Tây (UPCoM: WSB), nhằm nâng tỷ lệ sở hữu từ 70,55% lên 84,46% vốn.
7. CTCP Chứng khoán Bảo Minh (UPCoM: BMS) thông báo mua thành cp của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD)
Giai đoạn từ 12/9-11/10/2024, CTCP Chứng khoán Bảo Minh (UPCoM: BMS) đã mua thành công hơn 2,8 triệu cp của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD). Ước tính BMS đã chi hơn 125 tỷ đồng.
8. HDI Global SE thông báo mua cp của CTCP PVI (HNX: PVI)
Ngày 23/9, HDI Global SE báo cáo đã mua gần 2,78 triệu cp CTCP PVI (HNX: PVI) trong phiên 18/9, tăng tỷ lệ sở hữu tại đây từ 41,14% (96,4 triệu cp) lên 42,33% (99,2 triệu cp).
9. Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon) thông báo đã đăng ký mua cp của Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR)
Trong thông báo vào ngày 10/10, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (Masan Horizon) đã đăng ký mua gần 94 triệu cp Masan High-Tech Materials (UPCoM: MSR) từ ngày 16-22/10/2024, với mục đích tăng tỷ lệ sở hữu.
Nếu giao dịch thành công, Masan Horizon sẽ nâng sở hữu tại MSR từ gần 949,6 triệu cp (tỷ lệ 86,39%) lên gần 1,04 tỷ cp (tỷ lệ 94,94%). Ước tính Masan Horizon cần chi ra khoảng 1,184 tỷ đồng.
Trong tuần này có 1 thông tin về IPO.
1. Cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (mã cổ phiếu DSC) thông báo chính thức niêm yết sàn HoSE
Ngày 24/10/2024, Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (mã cổ phiếu DSC) đã chính thức được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE). Với mức giá tham chiếu 22,500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức vốn hóa hơn 4,600 tỷ đồng.
Dưới góc nhìn tích cực, giới phân tích chỉ ra một số câu chuyện thúc đẩy dòng tiền vào TTCK thời gian tới. Việc thanh khoản tăng cao giúp VN-Index khởi sắc, từ đó thu hút thêm hoạt động mua bán cũng như mở tài khoản mới, qua đó giúp các CTCK "hồi sức".
Trước hết là câu chuyện tăng trưởng, mức tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm rất cao, dự báo cả năm 2024 có thể đạt mức 7%. Khi kinh tế phục hồi thì lợi nhuận doanh nghiệp chắc chắn phục hồi. Theo dự báo gần đây nhất của Bloomberg, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ ở mức khoảng 16% so với năm 2023, sang năm 2025 đạt 26%.
"Lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền quay trở lại TTCK để tìm đến cơ hội đầu tư tốt".
Bên cạnh đó là chính sách tiền tệ. Dữ liệu cho thấy trong 10 năm trở lại đây, khi lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh hạ dần xuống thì TTCK có xu hướng đi lên về mặt dài hạn.
Cụ thể, từ giai đoạn hạ lãi suất 2011 – 2016, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm giảm rất nhanh thúc đẩy dòng tiền đổ vào TTCK. Giai đoạn thứ 2, Covid năm 2019 và 2020, lãi suất tái cấp vốn về đáy lịch sử, lợi suất trái phiếu Chính phủ về mức thấp và TTCK đi lên. Đến cuối năm 2022, lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu ở mức cao kỷ lục và bắt đầu đi xuống, lợi nhuận trái phiếu Chính phủ 5 năm cũng tạo đỉnh và đi xuống thì TTCK tạo đáy và đi lên.
Kỳ vọng trong giai đoạn tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục hạ lãi suất thì mức chênh lệch giữa VND và USD thu hẹp, câu chuyện tỷ giá không gây quá nhiều áp lực. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước có dư địa cắt giảm lãi suất tái cấp vốn khoảng 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Khi động thái này diễn ra, TTCK có nhịp phục hồi tốt giống nhịp phục hồi từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái.
Cuối cùng là câu chuyện nâng hạng thị trường. Theo cập nhật mới nhất của FTSE Russell, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng từ Cận biên lên Mới nổi. Song, Việt Nam cũng đã đạt được một số đánh giá tích cực, đặc biệt là Thông tư 68 của Bộ Tài chính ban hành ngày 19/8, gỡ bỏ ràng buộc ký quỹ đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, tức là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không cần phải có sẵn tiền mặt và chỉ thực hiện thanh toán khi cổ phiếu về tài khoản.
Khép lại phiên giao dịch ngày 25/10/2024, mã PGT đóng cửa với mức giá 5,200 VNĐ./
Hãy theo dõi các kênh của PGT Holdings để cập nhật thông tin sớm nhất nhé:
Website: https://pgt-holdings.com/
Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.