M&A và IPO (Từ 3/7 - 7/7): VN-Index tiếp tục định giá lại

Đầu tư và Tiếp thị
07:30 AM 08/07/2023

Chốt phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 11,85 điểm lên 1138,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 798,4 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.501,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 267 mã tăng giá, 133 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 0,74 điểm lên 225,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 85,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,492 tỷ đồng. Toàn sàn có 105 mã tăng giá, 62 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,43 điểm xuống 84,66 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 65 triệu đơn vị, tương ứng hơn 714,8 tỷ đồng. Toàn sàn có 203 mã tăng giá, 140 mã giảm giá và 118 mã đứng giá.

Khối ngoại hôm nay bán ròng mạnh với 1,356 tỷ đồng trên HOSE; 21,42 tỷ đồng trên HNX và 21,31 tỷ đồng trên UPCOM.

photo-1688732438481

Trong tuần này có 8 thương vụ M&A được thực hiện.

1. CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) thông báo đăng ký mua gần 2,5 triệu cp CTCP Dệt may - Thương mại - Đầu tư Thành Công (HOSE: TCM).

CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (HOSE: SAV) đăng ký mua gần 2,5 triệu cp của CTCP Dệt may - Thương mại - Đầu tư Thành Công (HOSE: TCM) trong thời gian từ 05/07-03/08/2023 với lý do đầu tư tài chính.

Nếu giao dịch thành công, Công ty sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại TCM lên 3%. Ước tính SAV cần chi khoảng 140 tỷ đồng để thực hiện thương vụ.

2. Cổ đông lớn nhất của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) thông báo nâng sở hữu lên 46,64%

Công ty E-Land Asia Holding, cổ đông lớn và cũng là công ty có liên quan đến Thành viên HĐQT CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), vừa đăng ký mua thêm cổ phiếu TCM để gia tăng sở hữu.

Cụ thể, E-Land Asia Holding đăng ký mua hơn 1,38 triệu cp TCM trong thời gian từ 05/07-03/08/2023. Nếu mua thành công, đơn vị này sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại TCM từ 44,96% (gần 36,9 triệu cp) lên 46,64% (gần 38,3 triệu cp).

3. Công ty liên kết thông báo mua 10 triệu cp của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP)

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam vừa đăng ký mua 10 triệu cp của CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) nhằm gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 04-31/07, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Trước giao dịch, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam nắm giữ gần 9,9 triệu cp NTP (tỷ lệ 7,62%). Nếu giao dịch thành công, số lượng NTP mà Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam nắm giữ sẽ tăng lên gần 19,9 triệu cp (tỷ lệ 15,3%).

4. Thêm một cá nhân rời ghế cổ đông lớn tại CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV).

Ông Hoàng Văn Ba không còn là cổ đông lớn của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) sau khi bán ra 3 triệu cp trong phiên 27/06/2023.

Trước đó, ông Ba sở hữu hơn 8 triệu cp AMV, chiếm tỷ lệ 6,1% vốn. Sau giao dịch, cá nhân này giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 3,81%, tương đương 5 triệu cp, và rời ghế cổ đông lớn tại AMV. Tổng giá trị thương vụ ghi nhận đạt 15 tỷ đồng.

5. Capella Group không còn là cổ đông lớn tại CTCP DNP Holding (HNX: DNP)

CTCP Capella Group không còn là cổ đông lớn của CTCP DNP Holding (HNX: DNP) sau khi bán ra hơn 4,75 triệu cổ phiếu trong hai ngày 28-29/06/2023.

Trước đó, Capella Group sở hữu hơn 9,7 triệu cp DNP, chiếm tỷ lệ 8,162% vốn. Sau giao dịch, tổ chức này giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,162%, tương đương hơn 4,9 triệu cp, và rời ghế cổ đông lớn tại DNP. Ước tính Capella Group có thể thu về hơn 137 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ.

6. Phó Chủ tịch và Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn TNT (HOSE: TNT) thông báo cùng đăng ký thoái vốn.

Phó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn TNT (HOSE: TNT) vừa đăng ký bán lần lượt 4 triệu cp và 1,4 triệu trong cùng thời gian từ 10/07-08/08/2023.

Cụ thể, ông Nguyễn Bá Huấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc TNT đăng ký bán 4 triệu cp do nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu bán thành công, Phó Chủ tịch sẽ không còn là cổ đông lớn của TNT khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,43% (4,3 triệu cp) xuống còn 0,59% (299,000 cp).

Cùng với đó, ông Lưu Quang Minh - Tổng Giám đốc TNT đăng ký bán 1,4 triệu cp để chi tiêu cá nhân.

Hiện, Tổng Giám đốc TNT đang sở hữu 1,5 triệu cp, chiếm tỷ lệ vốn tại đây là 2,941%. Như vậy, sau khi bán thành công, tỷ lệ sở hữu của ông Minh tại Công ty sẽ giảm xuống còn 0,002%, tương đương 100,000 cp.

7. Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) lên gần 13%

Quỹ thành viên thuộc Dragon Capital là CTBC Vietnam Equity Fund thông báo mua thành công 200 ngàn cp của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) vào ngày 29/06, nâng tỷ lệ sở hữu từ 5,96% lên 6,05% (gần 14,8 triệu cp).

Theo đó, Dragon Capital nâng tỷ lệ sở hữu tại HDG từ lên hơn 12,74% (gần 31,2 triệu cp).

Các quỹ thành viên khác thuộc Dragon Capital đang nắm giữ cổ phiếu HDG bao gồm DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (3,1%); KB Vietnam Focus Balanced Fund (0,14%); Norges Bank (3,26%) và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] (0,17%).

8. Cổ đông lớn của CTCP Nước sạch Quảng Trị (UPCoM: NQT) thông báo bán hơn 43% vốn

Từ ngày 07/07 - 04/08, cổ đông lớn của CTCP Nước sạch Quảng Trị (UPCoM: NQT) là CTCP Thành An đăng ký bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại NQT. Theo đó, công ty này sẽ bán ra gần 8 triệu cp NQT tương đương tỷ lệ 43,51% vốn tại đây. Giao dịch sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Trong tuần này chưa có thông tin IPO.

Trong tháng 7: TTCK đón những thông tin gì_là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong tuần này.

photo-1688732439929

Câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam

Trong một diễn biến khác, kết quả phân loại thị trường của MSCI được công bố cuối tuần qua cho thấy Việt Nam vẫn chưa thể lọt vào bảng danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Kết quả này không bất ngờ vì đánh giá của MSCI về Việt Nam vẫn giữ nguyên so với năm ngoái mà không có bất kỳ thay đổi nào.

Trước đó, trong kỳ đánh giá tháng 4 vừa qua, Tổ chức FTSE Russell cũng giữ nguyên Việt Nam ở lại nhóm thị trường cận biên và tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 kể từ tháng 9-2018. Tuy nhiên, khác với MSCI, FTSE Russell đã ghi nhận một số hoạt động mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua, như các cuộc thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ giữa các cơ quan quản lý và các nhóm thành viên thị trường; hệ thống giao dịch mới cũng được chạy kiểm thử nghiệm thu; kế hoạch triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã bắt đầu được thực hiện.

TTCK Việt Nam sẽ còn trải qua một lộ trình không hề dễ dàng để được xem xét nâng hạng, nhất là đối với chuẩn của MSCI.

TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tính minh bạch, khả năng ngăn chặn các giao dịch nội gián và thao túng giá, cơ chế tiếp cận thông tin bình đẳng và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Do đó, việc làm trong sạch thị trường là cần thiết vì những mục tiêu dài hạn hơn.

Còn theo UBCKNN, việc tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm trên TTCK tiếp tục là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng lành mạnh, minh bạch và bền vững. Về mặt dài hạn, mặc dù còn nhiều thách thức cần phải vượt qua, nhưng TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch…

Khép lại phiên giao dịch ngày 7/7/2023, mã PGT đóng cửa với mức 3,600 VNĐ./

Hãy theo dõi các kênh của PGT Holdings để cập nhật thông tin sớm nhất nhé:

Website: https://pgt-holdings.com/

Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS

‎Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured

PV
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.