M&A và IPO (Từ 5/6 - 9/6): VN-Index xác định rõ hơn xu hướng uptrend

Đầu tư và Tiếp thị
07:30 AM 10/06/2023

Khép lại phiên giao dịch ngày 9/6, VN-Index tăng 6,21 điểm lên mức 1107,53 điểm (0,56%). HNX-Index tăng 0,82 điểm (0,36%) dừng ở mức 227,6 điểm. UPCoM tăng 0,17 điểm (0,2%). Tổng giá trị giao dịch ba sàn là 19,367 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 139 tỷ trong phiên giao dịch khớp lệnh sàn HOSE.

photo-1686319691558

Trong tuần này có 6 thương vụ M&A được thực hiện.

1. Chứng khoán CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) thông báo đăng ký bán 8,1 triệu cp của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API).

CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, HNX: APS) vừa đăng ký bán 8,1 triệu cp của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) theo phương pháp thỏa thuận từ ngày 06/06-20/06/2023.

Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của APS tại API sẽ giảm từ 13,1% xuống còn 3,47%, tương đương hơn 2,9 triệu cp.

2. Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) thông báo tiếp tục thoái vốn công ty con

Nhằm cơ cấu khoản đầu tư, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) đã hoàn tất hạ tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tư vấn Xây dựng Vinaconex (Vinaconsult, UPCoM: VCT).

Cụ thể, ngày 02/06, Vinaconex đã bán ra 506,000 cp VCT như đã đăng ký bằng phương pháp thỏa thuận, hạ tỷ lệ sở hữu từ 51% (561,000 cp) xuống còn 5% (55,000 cp). Theo đó, Vinaconsult không còn là công ty con của VCG.

3. Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN) thông báo được chuyển giao từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Mới đây, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm, UPCoM: DVN) đã được chuyển từ Bộ Y tế sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Việc chuyển giao vốn tại DVN được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 471/TTg-ĐMDN ngày 27/05/2023, và hoàn tất vào buổi lễ chuyển giao quyền sở hữu tổ chức tại trụ sở SCIC.

DVN có tổng vốn điều lệ 2,370 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước là 1,540 tỷ đồng, chiếm 65%. Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế, mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh; nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dược… Sau khi tiếp nhận chuyển giao, với vai trò cổ đông, SCIC sẽ tiến hành rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tái cấu trúc tài chính và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tối ưu hóa giá trị phần vốn Nhà nước.

4. Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) thông báo chuyển nhượng 21 triệu cp tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI, HOSE: TCD)

HĐQT CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) vừa thông qua việc thoái một phần vốn góp tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (TRACODI, HOSE: TCD).

Cụ thể, BCG muốn chuyển nhượng 21 triệu cp TCD, tương đương 7,49% vốn điều lệ của TCD, theo hình thức thỏa thuận, trong vòng 30 ngày từ ngày ban hành Nghị quyết, với giá chuyển nhượng tính theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Ước tính BCG có thể thu về khoảng 183 tỷ đồng.

5. Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) thông báo thoái sạch vốn

Ông Nguyễn Minh Khang – Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) đã bán toàn bộ hơn 387 ngàn cổ phiếu. Theo báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu, từ ngày 26/05 – 06/06, ông Nguyễn Minh Khang đã bán thành công hơn 387 ngàn cp (tỷ lệ 0,15%) theo phương thức khớp lệnh. Ước tính ông Khang thu về hơn 1,7 tỷ đồng.

6. CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) trở thành cổ đông lớn của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN).

CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) vừa có báo cáo về giao dịch trở thành cổ đông lớn của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN).

Trước đó, Him Lam Land không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của SGN. Như vậy, thông qua việc mua gần 2.56 triệu cp trong phiên 01/06, chiếm tỷ lệ 7.6% vốn, Him Lam Land chính thức trở thành cổ đông lớn của SGN.

Trong tuần này chưa có thông tin IPO.

"Điểm lại" diễn biến TTCK tháng 6 trong quá khứ_ là chủ đề rất nhiều nhà đầu tư quan tâm khi giải ngân trong bối cảnh TTCK hiện nay.

photo-1686319692742

Thực tế, việc chỉ số VN-Index biến động mạnh trong tháng 6 hàng năm là điều dễ hiểu khi đây sẽ là giai đoạn hé lộ dần bức tranh kết quả kinh doanh quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm. Do đó, niềm tin của nhà đầu tư vào khoản lãi lỗ sẽ tác động lớn tới diễn biến giá cổ phiếu. Đồng thời, những thông tin vĩ mô nửa đầu năm cũng sẽ ảnh hưởng lớn tới bức tranh chung trong đó có thị trường chứng khoán.

Theo đánh giá, bức tranh kinh tế Việt Nam nhìn chung vẫn có những điểm sáng như lạm phát hay tại ngành dịch vụ. Cụ thể, đà lạm phát toàn phần vẫn ổn định trong tháng 5, đưa lạm phát toàn phần cả năm so với cùng kỳ năm trước xuống 2,4%. Đặc biệt, với mùa du lịch hè sắp tới và khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực. Kỳ vọng Việt Nam có thể sẽ chứng kiến một cú hích mạnh hơn từ du lịch quốc tế, một nguồn hỗ trợ rất cần thiết đối với nền kinh tế đang có phần chững lại.

Bên cạnh đó, tình hình vĩ mô ổn định cũng tạo nền tảng giúp NHNN có dư địa giảm lãi suất 3 lần kể từ trung tuần tháng 3. Lãi suất huy động giảm đã giúp TTCK dần trở nên hấp dẫn hơn so với thời điểm đầu năm 2023. Lãi suất giảm kỳ vọng sẽ dần có tác động tích cực tới thu nhập thị trường trong thời gian tới cũng như giảm chi phí cơ hội khi đầu tư chứng khoán.

VNDirect trong báo cáo mới cập nhật đã dự phóng tương đối khả quan về diễn biến của VN-Index. Theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ đã và đang được triển khai trong thời gian qua đã kéo cán cân rủi ro/cơ hội của thị trường đang dần nghiêng về phía tích cực. Dòng tiền thông minh cũng đã bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại TTCK khi thanh khoản của thị trường cải thiện dần trong vòng một tháng gần đây. Những tín hiệu tích cực trên sẽ tiếp tục duy trì và chỉ số VN-Index kỳ vọng có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1,080- 1,100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6.

Song, nhà đầu tư cũng nên lưu ý tới tình trạng bán ròng của khối ngoại trong vài tuần trở lại đây. Hiện dòng tiền cá nhân và tổ chức nội vẫn đủ cân bằng và hấp thụ toàn bộ lực cung, song áp lực sẽ có thể tiếp tục gia tăng sắp tới. Đặc biệt khi định giá thị trường cũng như giá nhiều cổ phiếu đã tăng đáng kể từ vùng đáy 11/2022 - giai đoạn nhà đầu tư ngoại gom ròng kỷ lục. Ngoài ra, cũng cần chú ý rủi ro giảm điểm đến từ nguy cơ suy thoái tại Mỹ và Châu Âu tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Khép lại phiên giao dịch ngày 9/6/2023, mã PGT đóng cửa với mức 3,900 VNĐ./

Hãy theo dõi các kênh của PGT Holdings để cập nhật thông tin sớm nhất nhé:

Website: https://pgt-holdings.com/

Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured

PV
Ý kiến của bạn