Mận Sơn La, vải Thanh Hà được đưa vào suất ăn hàng không
Hơn 1 tấn mận của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La và 20 tấn vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được đưa lên suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ giúp thực khách trong nước và quốc tế biết đến quả mận Sơn La, quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp những loại quả này bay xa hơn nữa tới các thị trường khó tính.
Mận là sản phẩm quả thứ 2 của Sơn La (trước đó là nhãn) trở thành món tráng miệng phục vụ hành khách trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản mận đều đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các điều kiện của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Việc sản phẩm mận Sơn La được trở thành suất ăn của Vietnam Airlines là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm nông sản Sơn La.
Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có gần 85.000 ha cây ăn quả, sản lượng trên 452.000 tấn/năm; trong đó, diện tích mận hậu trên 12.300 ha, sản lượng gần 90.000 tấn, thời vụ thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm.
Nhãn hiệu "Mận Sơn La" đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2021, với một số sản phẩm chất lượng cao như mận Pu Nhi, huyện Sông Mã; mận Ruby, huyện Mộc Châu và mận Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.
Tại tỉnh Hải Dương, vụ vải năm nay, lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airlines do Công ty cổ phần Suất ăn hàng không Nội Bài và Công ty cổ phần Dịch vụ suất ăn hàng không Việt Nam cung cấp.
"Năm 2023 là năm đầu tiên khoảng 20 tấn vải thiều Thanh Hà đã được đưa lên suất ăn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ giúp thực khách trong nước và quốc tế biết đến quả vải thiều Thanh Hà nhiều hơn mà còn là cơ hội giúp loại quả này bay xa hơn nữa tới các thị trường khó tính", bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương thông tin với báo chí.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2023, toàn tỉnh trên 8.800 ha vải, tập trung tại Thanh Hà và Chí Linh; trong đó 70% vải chính vụ.
Có 5 vùng sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản lượng vải toàn tỉnh trên 60.000 tấn; trong đó vải thiều Thanh Hà khoảng 40.000 tấn. Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng, 13 mã số cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu.
Vải thiều chính vụ Hải Dương đang được thu hoạch tới hết tháng 6/2023. Giá vải sớm 80.000 - 100.000 đồng/kg và hiện tại vải thiều dao động tầm 20.000 đồng/kg.
Thương Huyền (t/h)Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.