Mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã công nhận việc mang thai hộ với mục đích nhân đạo là hợp pháp. Tuy nhiên, trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại bị cấm và bị xử lý hình sự.
Trục lợi phi pháp
Thời gian qua, cơ quan chức năng của một số tỉnh, thành đã triệt phá những đường dây mang thai hộ gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như ngày 20-4, Công an TP.Nam Định bắt giữ Bùi Thị Hiền (33 tuổi, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) và Khổng Thị Lan (34 tuổi, quê H.Yên Bình, tỉnh Yên Bái) để điều tra về hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Theo điều tra bước đầu của cơ quan công an, biết nhiều người có nhu cầu tìm người mang thai hộ nên Hiền đã tổ chức đường dây mang thai hộ để trục lợi bất chính. Sau khi tìm được những phụ nữ chấp nhận “đẻ thuê”, Hiền và Lan đứng ra kết nối, giao dịch với người có nhu cầu với giá 850 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, người “đẻ thuê” được Hiền trả 250 triệu đồng. Thời điểm các đối tượng bị bắt, cơ quan chức năng phát hiện trong đường dây này có 9 phụ nữ đang mang thai hộ từ 12-16 tuần.
Vừa qua, vào tháng 1-2021, Công an Q.Long Biên (TP.Hà Nội) cũng đã bắt giữ Hoàng Tuệ Tâm (27 tuổi, ngụ H.Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tại cơ quan công an, Tâm khai đã tổ chức cho nhiều người mang thai hộ với mức giá từ 620-750 triệu đồng/trường hợp. Trong đó, những người mang thai hộ chủ yếu là sinh viên. Ngoài ra, một số bị hại vì tin tưởng Tâm nên đã chuyển tiền thuê người mang thai hộ và bị Tâm chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Khó xác định hành vi phạm pháp
Một cán bộ Viện KSND tỉnh cho biết, hiện có nhiều phụ nữ do không có khả năng mang thai nhưng khao khát làm mẹ nên mới phát sinh quan hệ pháp luật quy định về việc mang thai hộ. Tuy nhiên, việc mang thai hộ hiện khá phức tạp, khó để xác định hành vi phạm pháp, nhất là khi có sự hỗ trợ, giúp sức của bác sĩ, nhân viên y tế.
Tại mục 2, chương V, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 công nhận việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là hợp pháp. Tuy nhiên, tại Điều 13 Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 của Chính phủ quy định, việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ có một số cơ sở y tế có đủ điều kiện thực hiện.
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có một số quy định cơ bản như: các bên phải tự nguyện; có xác nhận người nhờ mang thai hộ không có khả năng sinh con ngay cả khi đã áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng không có con chung… Riêng người mang thai hộ phải là thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; nếu đã có chồng phải được sự đồng ý của chồng. Ngoài ra, còn có một số quy định khắt khe khác… Đây cũng là những lý do khiến tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại khá phổ biến.
Trong khi đó, việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị pháp luật nghiêm cấm và là loại tội phạm mới lần đầu tiên được quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các đối tượng thường hoạt động biến tướng và tinh vi nên quá trình điều tra sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong trường hợp phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại, cơ quan điều tra ngay từ đầu phải thu thập chứng cứ nhanh, chính xác như: xác định nhân thân, mối quan hệ giữa người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ và người đứng ra tổ chức; yêu cầu các cơ quan y tế cung cấp đầy đủ hồ sơ, thủ tục trước khi các bên làm thủ tục mang thai hộ; trưng cầu giám định ADN giữa đứa bé và các bên. Đặc biệt, loại tội phạm này thường giao dịch qua mạng xã hội nên cần nhanh chóng truy xuất dữ liệu, tránh tình trạng các đối tượng xóa tài khoản và các thông tin cần thiết cho quá trình điều tra. Người có nhu cầu mang thai hộ cũng phải tìm hiểu thật kỹ về các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động này, luôn tỉnh táo để không bị các đối tượng lợi dụng, lừa đảo nhằm trục lợi.
Có thể bị phạt tù lên đến 5 năm
Việc tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật và còn kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng (dễ phát sinh tranh chấp, nguy hiểm đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của phụ nữ…). Do đó, Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị xử phạt hình sự lên đến 5 năm tù.
Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.