Masan Consumer muốn chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 100%

Doanh nghiệp
02:51 PM 02/10/2024

Ngày 2/10, Masan Consumer công bố thông tin xin ý kiến cổ đông thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty, với mức tạm ứng cổ tức tối đa là 100% (tức 1 cổ phiếu được nhận mức tạm ứng cổ tức năm 2024 tối đa là 10.000 đồng).

 Liên tục chi trả cổ tức cao

Vào ngày 26/9, Masan Consumer đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2023 (bổ sung) bằng tiền, tỷ lệ thực hiện 168%/cổ phiếu (1 cổ phiếu được nhận 16.800 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/9, thời gian thực hiện vào 4/10/2024.

Masan Consumer muốn chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 100%- Ảnh 1.

Chỉ trong vòng hơn một năm (tháng 7/2023 đến 9/2024), doanh nghiệp này đã chia cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ là 268%. Ảnh: MCH

Ngoài ra, trong giai đoạn tháng 7/2023 và tháng 7/2024 Masan Consumer đã trả hơn 7.100 tỷ đồng thanh toán 2 đợt cổ tức năm 2023 bằng tiền, tổng tỷ lệ 100%. Như vậy chỉ trong vòng hơn một năm (tháng 7/2023 đến 9/2024), doanh nghiệp này đã chia cổ tức tiền mặt với tổng tỷ lệ là 268%.

Về cổ tức năm 2024, mới đây, Masan Consumer cũng công bố thông tin xin ý kiến cổ đông thông qua việc tạm ứng cổ tức năm 2024 từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty, với mức tạm ứng cổ tức tối đa là 100% (tức 1 cổ phiếu được nhận mức tạm ứng cổ tức năm 2024 tối đa là 10.000 đồng).

 Sở hữu những thương hiệu mạnh

Xuất phát điểm và ngành hàng trụ cột của Masan Consumer là gia vị, cho đến nay, doanh nghiệp này đã tham gia vào 8 ngành hàng tiêu dùng chính tại Việt Nam và sở hữu 5 thương hiệu đạt trên 2.000 tỷ đồng doanh thu.

Các thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer gồm Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake-Up Cà phê, Wake-Up 247, Joins, Chante’. Theo Kantar, Chin-Su, Nam Ngư là những thương hiệu được lựa chọn nhiều nhất ở khu vực thành thị; trong khi đó ở khu vực nông thôn là 4 thương hiệu: Nam Ngư, Chin-Su, Kokomi và Tam Thái Tử.

Ở cả nông thôn và thành thị, Masan Consumer đều có tệp khách hàng trung thành, sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm mới và giúp gia tăng doanh số sản phẩm ở nhiều danh mục khác nhau.

Masan Consumer muốn chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt tỷ lệ 100%- Ảnh 2.

Bên cạnh việc đầu tư cho hoạt động marketing quảng bá, Masan Consumer đặc biệt chú trọng vào công tác R&D để liên tục đưa các sản phẩm mới ra thị trường với tốc độ nhanh chóng. Thông qua Trung tâm phát triển sản phẩm và nghiên cứu người tiêu dùng (Consumer Innovation Center) để trò chuyện, trao đổi với cộng đồng “Consumers in love” - những người tiêu dùng tin yêu sử dụng sản phẩm, để tìm kiếm những ý tưởng, những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và phát triển các sản phẩm phù hợp.

Danh mục sản phẩm phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng

Theo Euromonitor, doanh số ngành hàng Gia vị (nước mắm, nước tương và tương ớt) của Việt Nam đã ghi nhận CAGR (Tỷ lệ tăng trưởng hép hàng năm) là 5% từ năm 2018-2023, trong đó 4% là do giá bán trung bình tăng. Nhưng doanh số bán gia vị của Masan Consumer có CAGR đạt tới 8% là nhờ chiến lược đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thị trường này tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng 7-9% trong giai đoạn năm 2024-2026 và 6% trong giai đoạn năm 2027-2028.

Đối với ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, trong đó mì ăn liền là một trong những phân khúc lớn nhất trị giá1,3 tỷ USD, trong năm 2023, Masan Consumer đã tăng thị phần lên 21% (từ 19% vào năm 2018). Mặc dù quy mô thị trường lớn nhưng đi kèm là sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi Masan Consumer phải không ngừng cải tiến, nâng cấp và ra mắt nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhiều phân khúc và nhu cầu của khách hàng.

Ngành hàng Đồ uống bao gồm nước tăng lực và đồ uống đóng chai cũng là một trong những điểm sáng của Masan Consumer. Theo Euromonitor, quy mô đồ uống tăng lực của Việt Nam trong năm 2023 là 18.738 tỷ đồng (750 triệu đô la Mỹ). Trong đó, Wake-up 247 chiếm 10,3% thị phần. Đây cũng là thương hiệu tiên phong trong danh mục đồ uống tăng lực có chứa caffeine của Masan Consumer và với mức thị phần hiện tại, doanh nghiệp còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Năm 2020, Masan Consumer đã mua lại 52% của Công ty CP Bột giặt Net, chính thức thâm nhập vào thị trường các sản phẩm Chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) trị giá 3,9 tỷ USD. Đây là thị trường mà trong suốt nhiều năm, các thương hiệu ngoại giữ vị trí thống trị. Năm 2023, Masan Consumer đã công bố doanh số ngành HPC đạt 1.810 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2022. Các sản phẩm HPC hiện chủ yếu được bán thông qua kênh bán lẻ hiện đại, với hệ thống phân phối quy mô lớn nhất cả nước của WinCommerce (Doanh nghiệp bán lẻ thuộc hệ sinh thái Masan). Động thái này sẽ giúp gia tăng nhận diện thương hiệu của các sản phẩm của Masan Consumer đồng thời giúp doanh số được cải thiện.

Liên tục tăng trưởng hai con số

Kể từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2x tốc độ thị trường chung. Theo một báo cáo mới đây của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực. Masan Consumer có tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 15,4%

Theo báo cáo của doanh nghiệp, Masan Consumer tiếp đà tăng trưởng kỷ lục năm 2023 với kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận tích cực trong quý II/2024. Doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng 14% và tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao là 46,3%.

Bước sang nửa cuối 2024, Masan Consumer dự kiến thực hiện chiến lược đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng doanh thu bằng cách tiếp tục thực hiện các phát kiến chiến lược và cao cấp hóa, đồng thời luân chuyển các SKU hoạt động kém hiệu quả để tối ưu hóa lợi nhuận. Chiến lược Go Global, quảng bá hương vị Việt đến 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu, tiếp tục được doanh nghiệp tăng cường.

PV
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.