Masan MEATLife (MML): Mảng thịt mát MEATDeli chính thức có lãi từ quý 3, lợi nhuận hợp nhất 9 tháng tăng 29% lên 379 tỷ đồng
Mảng kinh doanh thịt mát có thương hiệu MEATDeli của Masan MEATLife (MML) đánh dấu cột mốc quan trọng khi đạt Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty (NPAT Post-MI) dương lần đầu tiên vào quý 3/2021.
Masan MEATLife (MML) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu tăng trưởng tốt lên 5.182 tỷ đồng. Dù vậy, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp thu về giảm từ mức 755 tỷ xuống còn 656 tỷ đồng.
Khấu trừ chi phí, lợi nhuận ròng MML thu về 120 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Riêng công ty mẹ MML, quý 3/2021 Công ty chính thức có lợi nhuận thuần từ kinh doanh (cùng kỳ thua lỗ hơn 45 tỷ đồng). Theo giải trình, chỉ số riêng cải thiện nhờ doanh thu bán thức ăn chăn nuôi tăng tốt, đồng thời chi phí bán hàng giảm nhờ tối ưu hoá các chi phí.
Quý 3/2021, biên lợi nhuận gộp mảng thức ăn chăn nuôi cũng cải thiện, đạt 14,7% so với mức 12,0% vào quý 2/2021 do giá cả hàng hóa đã giảm so với mức tăng lúc trước, nguyên nhân nhờ sự cộng hưởng mạnh mẽ hơn ở mảng thịt tích hợp, cùng với mở rộng quy mô và chất lượng heo đầu vào tốt hơn.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất MML đạt 15.887 tỷ đồng, tăng 32% và lợi nhuận sau thuế 379 tỷ đồng, tăng 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Theo MML, từ đầu năm đến nay Công ty đã và đang chuyển đổi sang nền tảng hàng tiêu dùng có thương hiệu, tín hiệu khả quan là thịt mát MEATDeli có lợi nhuận.
Cụ thể, mảng kinh doanh thịt mát có thương hiệu MEATDeli của MML (không bao gồm trang trại, 3F Việt và thức ăn chăn nuôi) đánh dấu cột mốc quan trọng khi đạt Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Công ty (NPAT Post-MI) dương lần đầu tiên vào quý 3/2021. Kết quả này được thúc đẩy bởi doanh thu thuần tăng 51,2% so với cùng kỳ năm trước, biên lợi nhuận gộp và biên EBITDA cải thiện hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá heo hơi giảm trong quý 3/2021 tác động tích cực đến mảng kinh doanh thịt và MML tiếp tục hướng tới xây dựng mô hình chuỗi cung ứng bền vững để tối ưu chi phí đầu vào.
Với sự tăng tốc của mảng kinh doanh thịt, Masan (MSN) cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Royal De Heus Group nhằm tập trung hơn nữa vào mảng kinh doanh này, đồng thời đảm bảo chất lượng và hiệu suất của chuỗi cung ứng.
Chi tiết từng mảng kinh doanh của MML trong 9 tháng đầu năm nay, bao gồm:
Thịt có thương hiệu: Doanh thu thuần mảng thịt heo và thịt gà tích hợp (không bao gồm thức ăn chăn nuôi) đạt 3.330 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 103,3% so với 9 tháng đầu năm 2020, đóng góp 22% vào doanh thu thuần 9 tháng đầu năm của MML, so với 19,3% vào năm 2020.
Thịt heo: Mảng kinh doanh thịt có thương hiệu tích hợp (bao gồm cả trang trại) của MML đạt 2.320 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2021, đóng góp 15,3% vào tổng doanh thu thuần của MML.
Thịt gà: Mảng kinh doanh 3F Việt bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất gà mang lại doanh thu hơn 1 nghìn tỷ đồng, đóng góp 6,7% vào doanh thu thuần hợp nhất của MML. Việc tích hợp của 3F Việt với hệ sinh thái của Masan đã giúp các thương hiệu gà của MML đã có mặt tại hơn 2.180 điểm bán thuộc WCM. Nhờ đó, 3F Việt dự kiến sẽ đạt 1.800 tỷ đồng doanh thu thuần cho năm 2021, tăng so với dự kiến ban đầu là 1.500 tỷ đồng.
Thức ăn chăn nuôi: Doanh thu thức ăn chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2021 đạt 12.189 tỷ đồng, tăng 24,7% so với 9.774 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Sản lượng thức ăn gia súc tăng 26,3%, thức ăn gia cầm giảm 8% và mảng thức ăn thủy sản tăng 2,4%.
Tri TúcBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.