Mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích lên trong quý II
Lãi suất huy động giảm tương đối nhanh và có thể coi là đã chạm đáy. Do đó, nếu trong quý II hoặc đầu quý III, tín dụng tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích lên dần.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.
"Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25% - 5,5% trong năm 2024", MBS nêu.
Chia sẻ với báo chí, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét: Lãi suất huy động giảm tương đối nhanh và có thể coi là đã chạm đáy, nhưng lãi suất cho vay còn dư địa có thể giảm nữa.
Ông Phước dự báo, nếu trong quý II hoặc đầu quý III, tín dụng tăng mạnh thì mặt bằng lãi suất huy động có thể nhích lên dần.
Lãi suất huy động đang ở mức đáy là dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh, mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm, nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo ngành ngân hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và năng lực quản trị điều hành của ngân hàng, của thị trường tài chính. Tăng công khai, minh bạch về lãi suất huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực. Giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…
Minh An (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.