Mật độ trạm sạc xe điện tại Việt Nam dẫn đầu thế giới
Tính đến năm 2025, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về mật độ cổng sạc xe điện với hơn 150.000 cổng sạc công cộng, tương đương khoảng 15 cổng sạc/10.000 dân.
Theo thống kê, nước ta hiện có hơn 150.000 cổng sạc công cộng, tương đương khoảng 15 cổng sạc trên mỗi 10.000 dân, chủ yếu do các doanh nghiệp nội địa như VinFast và V-Green phát triển. Với con số trên, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về mật độ cổng sạc xe điện.

Không dừng lại ở con số trên, mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, TMT Motors, đơn vị phân phối xe điện Wuling, đã công bố kế hoạch đầu tư lớn nhất từ trước đến nay là xây dựng tối thiểu 30.000 trạm sạc trong vòng 5 năm tới.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và mở rộng hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam. Trong đó, Charge+ đặt mục tiêu triển khai 5.000 điểm sạc đến năm 2030 và đã hợp tác với Porsche để xây dựng 17 trạm sạc DC công suất cao trên tuyến hành lang dài 1.700 km tại Việt Nam, nhằm mang đến trải nghiệm sạc nhanh chóng và thuận tiện cho người dùng xe điện. EVG cũng góp mặt với mạng lưới trạm sạc công cộng phủ khắp các địa phương, cung cấp giải pháp sạc nhanh tương thích với nhiều dòng xe và tích hợp công nghệ nhận diện thông minh.
V-Green đã ký thỏa thuận hợp tác nhượng quyền lắp đặt 5.000 trụ sạc với Fast+, công suất từ 7,4 KW đến 120 KW trên toàn quốc. Trước đó, chủ xe VinFast cũng nhận tin vui khi mạng lưới 1.000 trạm sạc xe điện do PV Power quy hoạch cũng sẽ được triển khai theo hình thức nhượng quyền từ V-Green.
Cùng đó là hàng loạt hộ gia đình, chủ nhà hàng, quán ăn, quán café… kết hợp cùng V-Green xây dựng mô hình trạm sạc “2 trong 1”, vừa là điểm tiếp năng lượng, vừa là cơ sở kinh doanh dịch vụ gia tăng.
Các chuyên gia cho rằng, con số này đang duy trì vị thế cao hơn nhiều quốc gia phát triển. Ví dụ, tại Mỹ, dù hệ thống trạm sạc đã tăng lên khoảng 216.400 cổng sạc công cộng, nhưng mật độ vẫn chỉ đạt khoảng 6,5 cổng/10.000 dân. Đức và Pháp lần lượt đạt mức 9,2 và 12,5 cổng/10.000 dân, vẫn thấp hơn Việt Nam.
Những số liệu trên cho thấy hạ tầng trạm sạc đang là một lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong cuộc đua thúc đẩy xe điện hóa, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên quy mô toàn cầu.
Không chỉ “chi mạnh” để phủ nhanh hệ thống trạm sạc trên khắp cả nước, các hãng xe Việt còn tích cực đầu tư cho công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài các loại trụ sạc công suất đa dạng đã triển khai, VinFast đã triển khai trụ sạc mới công suất tới 360 kW. So với những loại trụ sạc siêu nhanh hiện tại chỉ có 1 súng sạc cho 1 xe, thiết bị mới có thiết kế bắt mắt, phục vụ được nhiều xe cùng một lúc, giúp tối ưu hoá không gian, cũng như giảm thời gian chờ đợi cho chủ xe.
Với loạt trụ sạc này, công suất mỗi xe nhận được sẽ được tự động tối ưu dựa trên số lượng xe sạc cùng thời điểm và khả năng tiếp nhận nguồn sạc của từng xe. Nhờ đó, bài toán “xe nhiều - trụ ít” được giải quyết nhanh chóng. Thời gian dành cho việc nạp nhiên liệu cũng nhờ thế giảm đi phần nào, tiến tới thu hẹp khoảng cách giữa nạp điện và đổ xăng.
Mật độ trạm sạc dày đặc cùng chi phí vận hành rẻ đã tiếp thêm động lực cho rất nhiều chủ xe an tâm trên mọi hành trình và lan tỏa lại trải nghiệm, niềm tự hào của mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.
Nhằm chuẩn hóa hệ sinh thái sạc, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành 11 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về trạm sạc xe điện, gồm cả sạc thường, sạc nhanh và hoán đổi pin. Thêm 18 tiêu chuẩn nữa đang trong quá trình xây dựng, bao gồm cả đầu sạc, dây dẫn, đo điện năng… Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo sự đồng bộ trong đầu tư và vận hành mạng lưới sạc .
An Mai (t/h)
Để đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính.