Mật mía làng Găng: Nguồn kinh tế chủ lực của xã Nghĩa Hưng
Làng Găng (nay gọi là HTX mật mía làng Găng) thuộc xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là làng nghề truyền thống làm mật mía từ lâu đời. Mật mía ở đây có hương vị thơm ngon, sánh dẻo, màu cánh cam tự nhiên nên được rất nhiều người “sành ẩm thực” ưa chuộng.
Nghĩa Đàn là huyện trung du miền núi nằm về phía Bắc tỉnh Nghệ An. Nơi đây là cái nôi của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học làng Vạc, những chiếc trống đồng biểu tượng rực rỡ của nền văn hóa Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước; là nơi gặp gỡ, hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Phủ Quỳ.
Nghĩa Đàn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp, đặc biệt còn có các sản phẩm và làng nghề truyền thống từ hàng trăm năm. Trong đó, có làng nghề ép mía chế biến đường làng Găng vừa góp phần phong phú trong sinh hoạt, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.
Mật mía được xem là loại gia vị truyền thống, được ông cha ta sử dụng từ ngàn xưa. Cho đến nay được rất nhiều gia đình lựa chọn thay cho đường tinh luyện. Đặc biệt vào những dịp lễ Tết, nhiều địa phương có tập quán dùng mật mía để nấu chè, nấu kẹo, nấu bánh... Mật mía trong Đông Y còn là một vị thuốc lành tính chữa nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Với kinh nghiệm và bí quyết nấu mật được trao truyền qua bao thế hệ, mật mía làng Găng ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn từ lâu đã nức tiếng xa gần bởi sự thơm ngon, sánh mịn và chất lượng.
Các công đoạn nấu mật đều được nấu bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Bắt đầu từ cuối tháng 10, đầu tháng 11 là thời điểm gia đình nào cũng đỏ lửa, nấu mật mía từ sáng đến tối.
Công việc này nhìn đơn giản nhưng trải qua rất nhiều giai đoạn, từ thu thập nguyên liệu mía tươi, đến tuốt vỏ, ép nước mía, nấu và chắt lọc mật. Trong đó, quan trọng nhất là công đoạn keo mật.
Muốn mật ngon phải đứng "canh" các chảo mật lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay, khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không được thơm ngon.
Khi nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Muốn mật được ngon, khi đổ vào trong phi, người nấu mật tiếp tục lọc qua lớp vải màn để lọc sạch cặn.
Lúc mật nguội sẽ có một lớp bọt đường nổi lên trên sản phẩm, khi đó mật mới hoàn thành. Đây là kinh nghiệm của người trong nghề, nhưng để thành thục cũng phải mất mấy năm rèn luyện mới đạt được. Công việc này đòi hỏi tính kiên trì và chịu khó, phải thật sự chuyên tâm để ý thì mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon, sánh mịn, đúng chuẩn mật làng Găng.
Trung bình một mùa vụ nấu mật, mỗi gia đình sẽ nấu được từ 25-30 phi mật, tính bình quân thu nhập của người dân từ 80-100 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian nấu mật và bán mật duy trì trong thời điểm từ tháng 11 đến tháng 1, có nhà mua được mía muộn thì có thể duy trì đến tháng 2, hoặc tháng 3. Sự uy tín và thương hiệu của mật làng Găng làm đến đâu được tiêu thụ đến đó, thậm chí là thương lái đến tận nơi để tìm mua mật. So với làm các cây trồng khác thì giá trị kinh tế nấu mật mía cao hơn nhiều.
Trước đây, ép mật dùng phương tiện thô sơ, tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian. Đến nay, có nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại nên rút ngắn được thời gian, năng suất tăng lên. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm làm ra không bị thay đổi, vẫn giữ được sự tinh tuý và thơm ngon, ngọt dịu đặc trưng của mật mía làng Găng.
Mật đạt chất lượng tốt nhất có màu đỏ như mật ong. Mật làng Găng được nấu hoàn toàn từ cây mía tươi, chắt lọc từ tự nhiên nên có mùi thơm dịu, vị ngọt mát và rất bổ dưỡng.
Cũng từ nghề ép mật này mà nhiều hộ dân trong làng có cuộc sống ổn định, sung túc. Ở xã Nghĩa Hưng hiện nay có khoảng 500 hộ dân làm nghề mật mía, mỗi hộ gia đình tạo công ăn việc làm cho 7-10 lao động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Từ khi được UBND tỉnh công nhận là làng nghề, mật mía Làng Găng càng được nhiều người biết đến. Vào mùa thương lái thường tìm đến tận làng để đặt mua.
Hiện nay, mật mía làng Găng đã được bảo hộ nhãn hiệu giúp cho người dân càng thêm yên tâm sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng, phát triển nghề truyền thống lâu đời của địa phương.
Những cánh đồng mía bát ngát, ngút ngàn tầm mắt ở Nghĩa Hưng, Nghĩa Đàn, là nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, được người dân sử dụng để ép thành phẩm mật mía thơm ngon, sánh mịn, góp phần làm nên những hương vị đặc trưng trong cuộc sống hàng ngày của người dân xứ Nghệ nói riêng và cả nước nói chung.
Vì vậy, khi nói đến đặc sản Nghệ An không thể không kể đến đặc sản Mật Mía Làng Găng trứ danh. Với truyền thống của làng nghề cùng sự cần cù chịu khó của người dân, những sản phẩm mật mía chất lượng được tạo ra đáp ứng nhu cầu và đảm bảo sức khoẻ của người tiêu dùng.
Thái Quảng - Văn QuyềnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.