"Mắt xích" của chuỗi cung ứng mới: Việt Nam gây “sốc”

Đầu tư và Tiếp thị
09:00 AM 25/07/2020

Dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Từ thương vụ Luxshare đến tuyên bố mới nhất của Jetro đã cho thấy, Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.

    LTS: Thành công của Samsung tại thị trường Việt Nam đã kéo các nhà sản xuất thiết bị di động khác, như LG, Nokia. Có thể, sẽ tiếp tục là Apple, khi Việt Nam không chỉ là một “vịnh tránh bão an toàn”, mà còn thực sự là một địa điểm đầu tư thuận lợi, hấp dẫn.


    Foxconn - đối tác gia công các sản phẩm iPhone lớn nhất của Apple đang xem xét xây dựng một nhà máy tại Việt Nam.

    Tại cuộc họp chiều ngày 23/7, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản Hà Nội (Jetro), nói rằng, 15/30 doanh nghiệp được METI hỗ trợ kinh phí đa dạng chuỗi cung ứng chọn Việt Nam là điểm đến. Ông Nakajima nhận định: "Việt Nam đang rất được quan tâm. Khi con số này được công bố, nó chắc chắn đã gây sốc cho các quốc gia lân cận".

    Nhật Bản lựa chọn...

    Chiều 23/7, Jetro công bố kết quả tuyển chọn lần 1 với các doanh nghiệp có nguyện vọng mở rộng chuỗi cung ứng sang ASEAN, một chương trình do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) phát động sau khi nhận thấy cách COVID-19 tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu và ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Lãnh đạo Jetro nhấn mạnh Việt Nam là thị trường hấp dẫn và có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào. Tuy nhiên, Đông Nam Á là nơi đang có một cuộc cạnh tranh thu hút FDI gay cấn. Thậm chí, sự cạnh tranh không chỉ tới từ các quốc gia bên ngoài mà từ ngay chính cả tại các địa phương ở Việt Nam.

    Dân số 95 triệu người, Việt Nam trở thành điểm hấp dẫn các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Việt Nam quá hấp dẫn khiến doanh nghiệp ở nhiều quốc gia muốn đầu tư có thể dẫn tới tình trạng dù dân số 95 triệu người nhưng nguy cơ thiếu nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trở nên hiện hữu.

    Tuy nhiên, ông Nakajima còn nêu ra những trở ngại, chẳng hạn như tỷ lệ nội địa hóa thấp và ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển ở Việt Nam. Đây được xem là vấn đề cần sớm cải thiện trong bối cảnh cuộc đua FDI ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung.

    Apple chuyển vốn dần sang Việt Nam

    Luxshare-ICT, tập đoàn có 3 nhà máy tại Việt Nam, vừa xác nhận mua lại một công ty lắp ráp iPhone khác là Wistron. Đây được xem là một bước tiến của Luxshare trong việc dành các hợp đồng lắp ráp iPhone và MacBook của Apple từ Foxconn. Như vậy, với những thông tin này, thời điểm mà một chiếc iPhone do Luxshare sản xuất có lẽ không còn xa. Đáng chú ý, doanh thu mà Luxshare kiếm được từ việc gia công các sản phẩm cho Apple chiếm tới hơn một nửa tổng doanh thu của hãng.

    Điều này cũng là một tin mừng đối với thị trường vốn FDI của Việt Nam, bởi trong trường hợp Luxshare nhận được các đơn từ Apple, khả năng 3 nhà máy của Luxshare tại Việt sẽ được đầu tư,mở rộng để đáp ứng nhu cầu.

    Trước đó, Apple và Luxshare cũng đã đẩy mạnh sản xuất AirPods trong 3 nhà máy tại Việt Nam. Theo đó, khoảng 3-4 triệu tai nghe, tức 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới sẽ được sản xuất tại Việt Nam vào quý này. Việc dịch chuyển cơ sở sản xuất này cũng là xu hướng chiến lược của Apple. Năm 2019, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lớn của tập đoàn này đánh giá tác động về chi phí khi chuyển từ 15-30% công suất sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á khi Apple chuẩn bị tái cấu trúc cơ bản chuỗi cung ứng.

    Nguyên nhân cơ bản được cho là do ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ - Trung kèm theo đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch COVID – 19.

    Với mô hình hợp tác với các nhà cung ứng trên toàn thế giới để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của mình, việc Apple gia tăng hiện diện ở Việt Nam có nghĩa là hãng này sẽ tăng cường đặt hàng các nhà cung ứng sản xuất các thiết bị “made in Vietnam” hoặc kêu gọi các nhà cung ứng đến Việt Nam mở nhà máy.

    Dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ là xu hướng không thể đảo ngược. Apple, hay nhiều các công ty công nghệ lớn sẽ dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

    Đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài, song cũng cần xử lý các thách thức khách quan và chủ quan và cần có những hành động đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn.

    Bùi Phú
    Ý kiến của bạn
    Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

    Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.