Mây tre đan Phú Vinh: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống

Địa phương
05:16 PM 19/11/2023

Đến nay đã hơn 400 năm lịch sử, làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn còn giữ nguyên những nét đẹp truyền thống lưu truyền đến ngày nay và tiếp nối cho thế hệ mai sau.

Lịch sử lâu đời của làng nghề

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh nằm ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Làng nằm dọc theo trục Quốc lộ 6A nối liền Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, cách huyện lỵ Chương Mỹ 5km, cách trung tâm Hà Nội 27 km theo hướng Tây Nam. 

Mây tre đan Phú Vinh: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống- Ảnh 1.

Theo các cụ trong làng: Cách đây khoảng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về bện thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn...

Phú Vinh được coi là làng nghề duy nhất ở Việt Nam có kỹ thuật xâu xiên sử dụng chất liệu sợi mây. Đây là kỹ thuật đỉnh cao của nghệ thuật đan lát Việt Nam. Vì vậy có những sản phẩm tưởng chừng như nghệ nhân "thêu" bằng tay.

Hàng mây tre đan của Phú Vinh có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Những nghệ nhân giỏi và lâu năm ở đây chính là người giữ lửa và truyền lửa yêu nghề đến các thế hệ con cháu.

Để sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Nguyên liệu mua về được phơi tái. Sau đó cho vào bể ngâm hoá chất khoảng 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô.

Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu, sản phẩm có mầu nâu tây hay nâu đen, là do yêu cầu của khách hàng. Sau khi hun lấy mầu, đưa tre ra khỏi lò để nguội và đưa lên uốn thẳng. Bước vào công đoạn đóng đồ, những người thợ cả chọn nguyên vật liệu để cắt ra các mặt hàng sao cho phù hợp những sản phẩm được ra đời. Màu sắc của sản phẩm có nhiều loại, có thể là từ màu nguyên thuỷ của mây hun hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU.

Chất lượng và mỹ thuật sợi mây là một trong hai yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm mây đan. Người Phú Vinh vốn có tay nghề rất cao. Họ hiểu sâu sắc cây mây, thứ vật tư quan trọng nhất của nghề mây, thuộc nết thuộc tính từng cây, từng sợi mây. Sản phẩm mây được làm ra ở đây đã đạt đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật đan mây hiện nay của Việt Nam. Thành công này trước hết thuộc về công lao các nghệ nhân.

Theo ông Nguyễn Văn Chung, nghệ nhân ưu tú của làng cho biết: Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ làng Phú Vinh phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm.Những người nghệ nhân có những kỹ năng, kỹ thuật đường đan tỉ mỉ, cầu kì, sản phẩm họ làm thường có hoa văn đan tết tinh xảo, độc đáo, mà người ta chỉ tìm thấy ở làng nghề Phú Vinh.

Phát huy và gìn giữ nghề truyền thống

Trong các nghề thủ công, nghề mây, tre hiện đang bảo tồn được truyền thống khá tốt. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. 

Hiện nay, sản phấm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Nhưng để mây tre đan trở thành hàng hoá thương mại, các làng nghề cần có nhà tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp xuất khâu có quy mô lớn, trọng thẩm mỹ, biết khám phá thị hiếu, thị trường.

Mây tre đan Phú Vinh: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống- Ảnh 2.

Ưu điểm của sản phẩm mây tre đan là làm từ tự nhiên, thân thiện với môi trường, không chỉ tốt cho sức khỏe người sử dụng mà còn tốt cho cả nhân công chế tác. Hơn nữa, nhiều sản phẩm còn đạt độ bền cao. Sự phát triển sáng tạo trong khâu sản xuất ở Phú Vinh cũng đem lại đa dạng các sản phẩm đưa tới cộng đồng. Bằng việc phát triển phù hợp với trào lưu hạn chế sử dụng đồ nhựa, sắt nhằm bảo vệ môi trường như nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi; thì nhu cầu với sản phẩm làm từ mây tre đan lại càng tăng mạnh.

Thời gian tới để phát triển các làng nghề mây tre đan nói chung rất cần cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân địa phương, các công ty du lịch, lữ hành tại Hà Nội và các tỉnh thành trong và ngoài nước để ể khai thác giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Chú trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống; nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức, trách nhiệm đối với nghề cho người dân. Tăng cường phối hợp giữa các cấp chính quyền với các doanh nghiệp du lịch để đào tạo kỹ năng hướng dẫn du lịch cho người dân làng nghề, tạo môi trường du lịch thân thiện, cởi mở, gần gũi giữa người dân với du khách.

Tổ chức các đoàn khảo sát với các chuyên gia đến các làng nghề truyền thống để nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và hình thành các tuyến, điểm du lịch có sức hấp dẫn.

Mỗi năm, các làng nghề mây tre đan đều cho ra đời nhiều mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, song khi đã tham gia vào chuỗi du lịch, cộng đồng làng nghề và nghệ nhân cần nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm lưu niệm đặc trưng của nghề, của làng, mang dấu ấn Việt Nam để giới thiệu, trưng bày và bán cho du khách.

Ở Phú Vinh, mỗi người con sinh ra trên mảnh đất nơi đây đều nhận thức sâu sắc những giá trị truyền thống tươi đẹp. Sản phẩm làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật đan mây tre ở Việt Nam. Nghề đan lát thủ công không chỉ đơn thuần giúp đảm bảo đời sống vật chất mà ở khía cạnh tinh thần, truyền thống làng nghề còn có vị trí quan trọng với người dân địa phương. Chính yếu tố truyền thống yêu nghề đã trở thành điểm mấu chốt giúp cho người dân Phú Vinh bám trụ, sống được với nghề mà cha ông để lại qua nhiều thế hệ.

Minh Anh
Ý kiến của bạn
Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 Sa Pa tấp nập khách đến du ngoạn Lễ hội Hoa hồng Fansipan ngay ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4

Lễ hội Hoa hồng năm 2024 với quy mô lớn nhất Tây Bắc đã chính thức khai mạc tại khu du lịch Sun World Fansipan Legend (Sa Pa) sáng 27/4, thu hút hàng ngàn lượt khách đến Sa Pa ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5.