MBS: Dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ quý II bật tăng 379%

Kinh doanh
09:16 AM 26/06/2024

Nhóm phân tích MBS dự báo, nhóm ngành bán lẻ tiếp tục được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong quý II/2024 với mức tăng trưởng 379%.

Khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS) vừa có báo cáo về báo cáo Dự báo lợi nhuận quý II của khối doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. 

MBS: Dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ quý II bật tăng 379%- Ảnh 1.

Ảnh: Báo Đầu tư

Theo đó, lợi nhuận toàn thị trường có thể đạt mức tăng 9,5% so với cùng kỳ có mức nền thấp. Trong đó, các ngành đạt mức tăng trưởng nổi bật gồm bán lẻ (379%) và vật liệu cơ bản (63%) so với mức nền thấp. Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc, trong khi bất động sản khu công nghiệp suy giảm 26% hay dầu khí giảm 2%.

Phân tích cụ thể từng lĩnh vực ngành bán lẻ, MBS cho biết, ngành bán lẻ hàng hóa ICT - CE (điện thoại, điện máy) vẫn tăng trưởng chậm. Điện máy là điểm sáng khi tăng trưởng 2 chữ số do thời tiết nắng gắt, nhu cầu lắp máy lạnh gia tăng. Các nhà bán lẻ tăng mức nền giá sản phẩm giúp cải thiện biên lãi gộp, từ đó lợi nhuận ròng mảng ICT-CE cải thiện rõ rệt.

Theo dự báo, Thế giới Di Động (MWG) có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong quý II và cả năm 2024, lần lượt tăng 2.944% và 1.930%. Theo đó, MBS dự báo lợi nhuận ròng của công ty sẽ tăng mạnh mẽ so với mức nền thấp của năm 2024 nhờ vào mức giá các sản phẩm ICT-CE đều tăng trở lại, cao hơn 5-10% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Bách Hóa Xanh duy trì doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng đạt 1.9 tỷ đồng/tháng cùng với biên lợi nhuận gộp khoảng 25% sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2024.

Tiếp đến là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận gộp trong quý II/2024 với con số 119% nhờ vào mức nền thấp của kỳ trước cũng như sự cải thiện về biên lợi nhuận gộp khi mức nền giá các sản phẩm ICT-CE đều tăng cao 5-10% so với cùng kỳ.

Đối với CTCP Thế giới số (DGW), lợi nhuận ròng dự báo tăng 58% so với cùng kỳ dựa trên mức nền thấp năm 2023 do giảm thiểu được chi phí hỗ trợ bán hàng khi cuộc chiến về giá kết thúc. Bên cạnh đó, DGW tăng cường các sản phẩm mới có biên lợi nhuận tốt hơn ở lĩnh vực tiêu dùng, đồ gia dụng.

Với mảng bán lẻ trang sức, nhóm phân tích nhận thấy giá vàng biến động mạnh thúc đẩy nhu cầu giao dịch vàng nhẫn, từ đó doanh thu bán lẻ trang sức dự kiến tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu và tỷ trọng bán vàng miếng, vàng nhẫn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến biên lãi gộp của doanh nghiệp bán lẻ trang sức, dự kiến giảm khoảng 3% so với cùng kỳ.

Lượng giao dịch vàng nhẫn (vàng trang sức) tăng đột biến giúp cho tổng doanh thu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng mạnh so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá nguyên vật liệu tăng cao khiến cho lợi nhuận ròng của công ty chỉ tăng 13% so với cùng kỳ.

Với mảng bán lẻ dược phẩm, quy mô nhà thuốc gia tăng sẽ giúp doanh thu bán lẻ dược phẩm tăng tốt hơn 57% so với cùng kỳ. Dự kiến Long Châu sẽ mở thêm 83 cửa hàng để đưa tổng số lên 1.670 (tăng quy mô 34%), còn An Khang duy trì tổng số nhà thuốc.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn