Mê mẩn với căn nhà second-home đẹp đến phát "thèm" tại ngoại ô Hà Nội, lộ bí quyết nhà đẹp quanh năm chỉ với 0 đồng của chủ nhà
Không gian gần gũi, xanh mướt của căn nhà trên núi cổ ở Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội là ước mơ của hầu hết những người đang mơ về một second-home ngay giữa Hà Nội.
Nằm trên đỉnh núi thuộc xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, căn nhà sàn của chị Đặng Thanh Nhàn (Mỹ Đình, Hà Nội) nằm giữa tổng thể ngọn núi 3.000m2 là chốn lui về của của gia đình mỗi dịp cuối tuần, cũng là nơi các thành viên trong gia đình "tránh dịch" trong suốt 4 lần dịch Covid-19 bùng phát vừa qua.
Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ 30 phút lái xe nhưng căn nhà như một thế giới khác, tách biệt hoàn toàn với đô thị tấp nập.
Căn nhà có ba hạng mục lớn là nhà sàn, nhà ba gian và nhà tổ chim.
Trước mỗi căn nhà đều có bể cá coi mát lịm.
Nước róc rách, bên dưới đàn cá tung tăng bơi lội.
Một góc bên hông nhà, chiếc bàn ăn xinh xắn được đặt ngay giữa sân.
Không gian bên trong được thiết kế mở tối đa với những khung cửa rộng.
Nhà tắm được thiết kế ngoài trời đầy nắng.
Chị Nhàn cho biết, chú ruột của chồng chị là nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân đã tìm đến xóm núi này và mua mảnh đất từ 16 năm trước. Chú trực tiếp là người quy hoạch, xây dựng giai đoạn đầu căn nhà sàn cùng nhà ba gian để gia đình chú sinh sống cố định còn nhà bố mẹ và nhà chị cứ cuối tuần là về.
"Tuy nhiên, do các cụ cũng có tuổi nhưng vẫn vướng bận con cái, gia đình mình thì trẻ, còn phải làm việc, các bé học hành nên việc ở cố định không thể tiếp tục, việc cuối tuần về cũng không thể duy trì từ năm 2011 đến 2017 nhà để không, chỉ duy trì một chú quản gia người địa phương trông nom. Sau hơn 5 năm không sử dụng nhà hoang hóa, thủng mục hết mái và sàn, chỉ giữ lại được khung. Bốn năm gần đây mình mới bắt đầu cải tạo căn nhà để gia đình trở về những ngày cuối tuần hay tiếp đón bạn bè."
Chị Nhàn cũng chia sẻ với mục đích trải nghiệm cuộc sống xóm núi ngày xưa nên khi cải tạo chị thiết kế không gian tối đa cho vườn rau, ao cá, khu nướng BBQ ngoài trời, nơi pha trà, đọc sách...
Mít trong vườn sai trĩu quả.
Đàn vịt được nuôi trong ao đã đến kỳ đẻ trứng.
Đàn gà con chạy tung tăng trong vườn.
Luống rau được trồng theo mùa.
Mấy đợt dịch vừa qua gia đình chị Nhàn đều rời căn nhà trên phố về đây nghỉ ngơi. Do nhà rộng, lại tách biệt nên không khí mát mẻ, trẻ con có không gian vui chơi, chạy nhảy.
"Năm ngoái, dịch nên nhà mình về ở gần hết mùa đông, dịch an ổn là về phố. Năm nay dịch cao điểm lúc vào hè, cả nhà cũng khăn gói quả mướp lên núi làm việc rồi tụi nhỏ học hành, ông bà vườn tược, những thói quen cuộc sống ở quê mùa hè", chị Nhàn cho biết.
Sáng mùa hẻ mát lịm trên căn nhà nhỏ.
Trẻ con tha hồ khám phá.
Mít vườn nhà, chín cây thơm lừng.
Bữa sáng đồng quê ngọt lịm.
Hiên nhà phủ đầy hoa giấy lãng mạn.
Chị Đặng Thanh Nhàn - chủ căn nhà trên núi Tiên Phương.
Chia sẻ về bí quyết để căn nhà second-home luôn được chăm chút kỹ lưỡng dù bận rộn không có thời gian, chị Nhàn cho biết căn nhà tự nó nuôi nó mà chị không tốn chi phí vận hành.
"Thời gian đầu khi căn nhà vừa được hoàn thiện, cuối tuần nào gia đình mình cũng về để nghỉ. Nhưng sau đó bận rộn có đợt 2-3 tuần mới về được. Mỗi lần về lá rụng đầy sân, cỏ mọc quanh nhà, giường chiếu ẩm mốc lại phải tốn cả nửa ngày dọn dẹp. Sau đó, mình đành phải thuê quản gia để chăm sóc.
Tuy nhiên, số tiền thuê quản gia hàng tháng cùng với chi phí sửa chữa, chăm sóc cảnh quan căn nhà cũng tốn cả chục triệu đồng mà thời gian sử dụng của gia đình chỉ có vài ngày. Mình nghĩ đến việc tại sao không cho thuê những ngày gia đình không có nhu cầu sử dụng để căn nhà có thể tự nó nuôi nó", chị Nhàn kể lại.
Tuy nhiên, việc hút khách đến nghỉ tại một địa chỉ chưa hề có tên tuổi cũng cần có một concept độc đáo và thu hút. Chị Nhàn bắt tay vào cải tạo căn nhà, cần mẫn chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ từ phòng ngủ, cho tới chiếc khăn trải bàn, từng chiếc bát đĩa gốm, hay những viên sỏi trong nhà tắm cũng được lựa chọn tỉ mẩn, vườn rau ao cá cũng được cải tạo chăm chút đúng chất một farm-stay. Khu nhà vừa đậm chất vùng quê lại vừa đảm bảo tiện nghi cho khách đến nghỉ dưỡng.
Thời gian đầu, khách đến nghỉ chỉ là bạn bè thân thiết, người quen, sau đó mọi người lại giới thiệu cho bạn bè của nhau, rồi chị bán thêm kỳ nghỉ trên facebook cá nhân. Ý định ban đầu của chị chỉ muốn chia sẻ căn nhà cho những ai mong muốn có nhà ở quê đúng nghĩa, và cũng thêm một phần chi phí vận hành cho căn nhà. Nhưng không ngờ căn nhà lại được rất nhiều người yêu thích hơn cả mong đợi, rồi doanh thu từ việc cho thuê giúp căn nhà tự nó nuôi nó không phải mất thêm chi phí hàng tháng.
"Khách đến nghỉ không phải kiểu khách du lịch chủ yếu là các gia đình cùng mơ ước có căn nhà ở quê để thỉnh thoảng lui về nghỉ ngơi. Thậm chí có cả khách hàng nước ngoài đang sinh sống ở Hà Nội cũng muốn trải nghiệm cuộc sống trên xóm núi", chị Nhàn cho hay.
Chị Nhàn cũng chia sẻ thêm, đến hiện tại sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng, chị đã không còn vướng bận chuyện chi phí chăm sóc, duy tu căn nhà hàng tháng. Không phải bỏ bất cứ đồng tiền nào mà cả gia đình vẫn có căn nhà sạch đẹp, mùa nào thức đấy, về ở là có người phục vụ.
Nói về mô hình chia sẻ căn nhà second-home chị nhàn cho biết thực chất mô hình này chỉ phù hợp với những người thích và mong muốn sở hữu căn nhà ở quê để phục vụ chính là nhu cầu của gia đình, chuyện kinh doanh không đặt nặng bởi chỉ để "tự nó nuôi nó", tiền thu về từ kinh doanh phục vụ cho việc trang trải chi phí quản gia, điện nước, sửa chữa, mua sắm thiết bị hàng tháng, như thế đã là lãi rồi.
"Nếu đặt nặng vấn đề doanh thu ngay từ đầu thì việc mua một căn ngoại ô rồi cho thuê không khác gì bỏ tiền chẵn nhặt tiền lẻ, mà tiền lẻ cũng không dễ nhặt bởi nếu không có nghề, không am hiểu thì rất khó hút khách về, rất dễ rơi vào tình trạng mất cả chì lẫn chài và cuối cùng đành đóng gói bán tháo như rất nhiều người từng mua nhà vườn Ba Vì, Hòa Bình cách đây chục năm.
Khi bán cũng rất khó thanh khoản bởi tiền đất ở quê thì rẻ nhưng tiền đầu tư xây dựng lại rất lớn. Một căn second-home ở quê diện tích cũng phải từ 1.000m2 trở lên, cả chi phí đất và xây dựng giá trị lên cả chục tỷ. Với số tiền lớn như vậy nên phân khúc này cũng rất kén khách", chị Nhàn chia sẻ.
Do có quản gia chăm sóc quan năm nên căn nhà trên núi của chị Nhàn luôn sạch sẽ và mát mẻ quanh năm.
Chị Nhàn tâm sự cuộc sống ở quê yên bình, trái chín đầy vườn, rau quanh nhà xanh mướt. Đêm buông xuống trời man mát, gió hiu hiu, ve đến đêm muộn vẫn vài con ra rả, thoáng dỗ giấc ngủ lúc nào. Cuộc sống yên bình nên mỗi lần về là không nỡ đi.
Bữa cơm tối ở quê cũng thanh mát với rau vườn nhà.
Lối nhỏ xuống núi đẹp như tranh như níu giữ bước chân chủ nhà mỗi khi về phố.
Tổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.