Mexico thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam
Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico (kiêm nhiệm Guatemala, Honduras, El Salvador, Belize) nhận định: Đối với Việt Nam, Mexico là một thị trường lớn tiềm năng mà cần phải được khai phá. Với tình hình thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh COVID-19,... giá nhân công và hàng hóa của Trung Quốc ngày càng tăng nên xu hướng của các công ty nhập khẩu trên thế giới, trong đó có Mexico, đang có định hướng tìm nhà cung cấp khác, và Việt Nam cũng trong số đó.
Mặt khác, hiện nay hiệp định CPTPP đã đi vào thực hiện được 3 năm nên có nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam lại có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới. Ông Lưu Vạn Khang chỉ rõ một số mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang thị trường Mexico như thủy sản và nông sản chế biến; cà phê; hàng tiêu dùng; hàng điện tử; linh kiện và phụ tùng ô tô.
Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản và nông sản chế biến, Mexico cam kết xóa bỏ thuế cho cá tra và basa từ năm thứ 3 của CPTPP, do vậy mặt hàng này đã được miễn thuế nhập khẩu vào Mexico. Tôm chế biến giảm theo quy trình và về 0% từ năm thứ 12, tôm đông lạnh về 0% từ năm thứ 13 và cá ngừ là năm thứ 16.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mexico đạt gần 118 triệu USD, tăng 44,5%. Các mặt hàng nông sản chế biến cũng là mặt hàng tiềm năng vào thị trường Mexico tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu tạo ra những sản phẩm phù hợp với khẩu vị của người địa phương.
Đối với cà phê, Mexico là đất nước tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới, trung bình một năm một người dân Mexico tiêu thụ 1,7kg/ người. 84% nhà dân tiêu thụ sản phẩm café hòa tan. “Đây là mặt hàng mà các công ty của Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường Mexico”- ông Lưu Vạn Khang thông tin. Ngoài ra, mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với hàng tiêu dùng, khi nguồn nguyên liệu và giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao cũng là lúc các nhà nhập khẩu sẽ tìm nguồn cung cấp mới, trong đó có Việt Nam. Ví dụ như Tập đoàn bán lẻ Coppel với hơn 1500 điểm phân phối, doanh thu 1,4 tỷ USD, có trụ sở tại Trung Quốc, vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, đã cử 3 đoàn công tác sang khám phá thị trường Việt Nam về các loại mặt hàng quần áo, giầy dép, và đồ gỗ, nội thất. Phía Coppel rất ngưỡng mộ ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam và sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác trong năm 2023.
Hay với mặt hàng điện tử bao gồm, máy tính, điện thoại, điện thoại di động, hàng điện tử dân dụng, các loại mạch điện tử cũng đang là những sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất sang Mexico. Tính đến hết tháng 11/2022 Việt Nam đã xuất sang Mexico hơn 1,7 tỷ USD, với mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%.
Ngoài ra, mặt hàng xuất khẩu tiềm năng khác của Việt Nam sang thị trường Mexico đó là linh kiện và phụ tùng ô tô. Trong 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất sang Mexico hơn 309 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước đó. Một trong những mục tiêu đặt ra của Thương vụ Việt Nam tại Mexico là phối hợp với các thương vụ bờ Tây Bắc Mỹ tổ chức một đoàn xúc tiến thương mại về phụ tùng ô tô đi các nước Mỹ, Canada và Mexico.
Những năm gần đây, Mexico thực hiện đẩy mạnh chiến lược mở cửa nền kinh tế. Mặt khác, để hỗ trợ chính sách mở cửa, trong những năm qua, Mexico đã thực hiện nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Hải quan như đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa, áp dụng cửa sổ điện tử nhằm tự động hóa nhiều thủ tục ngoại thương.
Đối với các biện pháp vệ sinh an toàn động thực vật, Mexico đã xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để các bên liên quan có thể tiếp cận yêu cầu về vệ sinh an toàn động thực vật. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thúc đẩy vào thị trường này.
Song song với các doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số điểm khi xuất khẩu vào thị trường Mexico như cần tìm hiểu thị trường để đánh giá nhu cầu đối với sản phẩm của doanh nghiệp, xác định lợi thế cạnh tranh, nắm vững những ưu đãi mà sản phẩm Việt Nam được hưởng tại thị trường xuất khẩu.
Mặt khác, cần nghiên cứu về nhập khẩu hàng hóa, thuế, thủ tục hải quan, đặc biệt các quy định phi thuế quan như SPS (kiểm dịch động thực vật) và TBT (các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, dán nhãn)… Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần chủ động hơn nữa tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, hiểu sâu, rõ hơn về thuế nhập khẩu ưu đãi; sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với các doanh nghiệp Mexico.
Thương Huyền (t/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.