Thị trường vaccine lớn dần: Không chỉ nhận nhập khẩu vaccine và thuốc trị Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam còn tự sản xuất

Đầu tư và Tiếp thị
12:01 PM 03/08/2021

Tính đến ngày 2/6, Việt Nam đã có 36 công ty được phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine. Không chỉ dừng lại ở đó, Vingroup đã ký kết thành công với doanh nghiệp Mỹ để nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Ngoài ra, Thaiholdings và Tập đoàn Xuân Thành cũng đang đề xuất nhập thuốc trị Covid-19.

Làn sóng doanh nghiệp dược phẩm tranh thị phần về vaccine Covid-19

Covid-19 đã mang đến cơ hội hiếm có trên toàn cầu cho các nhà sản xuất vaccine cả mới và cũ. Hay như một chuyên gia từng nói: "Khi bạn tạo ra một sản phẩm về cơ bản mọi người trên thế giới đều muốn hoặc cần, bạn chắc chắn kiếm được bộn tiền".

Hiện các "ông lớn" như Pfizer, Moderna, AstraZeneca hay Johnson & Johnson không chỉ đang phải đối mặt với các đối thủ Sanofi và GlaxoSmithKline, mà còn phải đối mặt với làn sóng khởi nghiệp như Novavax, CureVac và Valneva.

Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường hiện cũng đang phải đối mặt với những trở ngại đáng kể, như biến thể mới hay khả năng được công nhận của người dân. Song thống kê cho thấy, Novavax thậm chí được dự báo sẽ vượt Moderna để trở thành nhà sản xuất vaccine lớn thứ 2 tính theo doanh thu trong năm tới, với doanh thu ước tính là 17,9 tỷ USD.

Thị trường vaccine lớn dần: Không chỉ nhận nhập khẩu vaccine và thuốc trị Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam còn tự sản xuất - Ảnh 1.

Nguồn: Financial Times

Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vaccine

Tại Việt Nam, tính đến ngày 2/6, đã có 36 công ty được phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine. Các đơn vị có điều kiện tiếp cận nguồn cung vaccine phòng Covid-19 có thể trực tiếp làm việc với Bộ Y tế hoặc với một trong số 36 đơn vị này để nhập khẩu vaccine hợp pháp.

Trước đó, Bộ Y tế thông báo khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiếp cận, đàm phán và nhập khẩu vaccine nên tiến hành trực tiếp, tránh qua bên thứ 3 để không gặp những rủi ro…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vaccine, đảm bảo an toàn vaccine và chống việc giả mạo vaccine.

Không chỉ nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ sản xuất vaccine...

Gần đây nhất, Tập đoàn Vingroup đã ký kết thành công với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics của Mỹ, để nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Vaccine có tên là VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus) sẽ sử dụng công nghệ mRNA, tương tự như vaccine của Moderna và Pfizer/BioNTech. Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8/2021.

Trước đó, Vingroup đã thành lập Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare để xây dựng nhà máy sản xuất vaccine tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc.

Với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, nhà máy này sẽ có diện tích 8,807m2 được xây theo tiêu chuẩn cGMP và GMP – WHO hướng tới năng lực sản xuất 200 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi năm.

Hiện VinBiocare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành và việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021. Dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu năm 2022 góp phần giúp Việt Nam tự chủ nguồn vaccine, thậm chí xuất khẩu.

... và nhập thuốc trị Covid-19?

Không chỉ có Vingroup, vừa qua CTCP Thaiholdings (THD) và Tập đoàn Xuân Thành cũng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc nhập khẩu thuốc REGEN-COV của Tập đoàn Regeneron, RonaPreve của Tập đoàn Roche và các hãng thuốc khác trên toàn thế giới có chứng nhận FDA của Mỹ, dùng để chữa Covid-19 cho các bệnh nhân theo hình thức tài trợ.

Thuốc REGEN-COV2 đang được nhiều quốc gia trên toàn cầu sử dụng điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Công ty CP Thaiholdings và Tập đoàn Xuân Thành sẽ phối hợp cùng các bộ phận chức năng của Bộ Y tế làm thủ tục nhập khẩu, bảo quản và phân phối đảm bảo đúng số lượng và đối tượng.

Thời gian nhập dự kiến từ 5-10 ngày. Nguồn kinh phí từ nguồn vốn của CTCP Thaiholdings và Tập đoàn Xuân Thành, cùng các nguồn vốn hợp pháp khác.

Liên quan đến những nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động cung cấp vaccine và thuốc điều trị Covid-19, ông Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam từng phát biểu, ông hy vọng Việt Nam sẽ có thể sản xuất quy mô lớn vaccine mRNA. "Nếu trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19, Việt Nam sẽ góp phần giải quyết được vấn đề nguồn cung trong nước cũng như khu vực".

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.