Miệt mài lao động trên đại công trường thủy lợi lớn nhất miền Tây
Công trình Dự án Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là Hợp phần xây dựng, gồm: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với Quốc lộ 61 và mô hình sinh kế... do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư.
Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư trên 3.309,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Hiện dự án đã hoàn thành trên 60% khối lượng, dự kiến đi vào hoạt động ngày 20/9/2021.
Theo thiết kế, cống sông Cái Lớn có chiều rộng thông nước 455m, gồm 11 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cống sông Cái Bé có chiều rộng thông nước 85m, gồm 2 khoang và âu thuyền rộng 15m. Cửa van cống, âu thuyền bằng thép, vận hành bằng hệ thống xi-lanh thủy lực. Trên cống có cầu giao thông. Đê nối hai cống với Quốc lộ 61 dài hơn 5,7km, mặt đê rộng 9m, phần xe chạy 7m.
Công trình được xây dựng, điều chỉnh chế độ vận hành (đóng/mở) cống để giảm tác động dòng chảy và môi trường, đa dạng sinh học. Đồng thời, xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát tự động nhằm đánh giá kịp thời diễn biến môi trường, chất lượng nguồn nước; tổ chức quan trắc, giám sát tự động liên tục trong giai đoạn thi công và định kỳ trong giai đoạn vận hành về chất lượng nước.
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được khởi công ngày 20/10/2019. Giai đoạn 1 của dự án gồm các hạng mục chính: Cống Cái Lớn với cấp độ công trình là cấp I, cống Cái Bé (cấp độ II) và đê nối nối hai cống với quốc lộ 61 (cấp độ III).
Ngoài ra, giai đoạn này còn thực hiện hợp phần mô hình sinh kế cho người dân và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 tỉnh làm chủ đầu tư. Mỗi ngày có hàng trăm công nhân làm việc trên công trường, được chia làm 3 ca, mỗi 3 ca có khoảng 300 công nhân.
Hiện tại dự án cống Cái Lớn đã đạt trên 60% khối lượng xây dựng (950 tỷ đồng), thời gian thực hiện 12/25 tháng. Cống Cái bé và Đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với Quốc lộ 61 đạt trên 74% khối lượng xây dựng (351 tỷ đồng), thời gian thực hiện 12/25 tháng, đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.
Theo dự kiến tháng 12/2020, cống Cái Bé sẽ được lắp đặt các cửa van và cống Cái Lớn sẽ được lắp đặt các cửa van vào tháng 2/2021 để vận hành thử.
Đầu năm 2020, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trên đại công trường dự án Cái Lớn - Cái Bé luôn trong tâm thế "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nhưng công nhân được quán triệt tinh thần nỗ lực, vượt khó hoàn thành công trình sớm hơn kế hoạch từ 1-2 tháng để kịp tiến độ hoàn thành dự án như cam kết của Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10.
Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có chức năng kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng đất tự nhiên 384.120 ha khu vực Bán đảo Cà Mau.
Dự án sẽ kết hợp với tuyến đê biển tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do lún sụt đất); giảm thiệt hại do thiên tai (hạn, mặn) vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.
Đặc biệt, Dự án cũng sẽ góp phần cung cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt của hai huyện An Minh, An Biên (Kiên Giang) với những năm ít mưa, và tiêu thoát cho vùng hưởng lợi của dự án trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.
Khi hoàn thành, công trình có chức năng kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện để người dân sống vùng đất tự nhiên gần 400.000 ha khu vực bán đảo Cà Mau ổn định sản xuất. Đây cũng là dự án thủy lợi có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Được biết, trong những năm trở lại đây, hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang…
Bình quân mỗi năm có một đợt hạn mặn kéo dài 4-5 tháng, gây thiệt hại hàng chục nghìn hecta lúa và hoa màu. Đợt nắng hạn đầu năm 2020, tỉnh Kiên Giang có khoảng 2.000 ha lúa bị thất thu. Công trình Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành sẽ trực tiếp điều tiết nước, kiểm soát độ mặn... giảm thiệt hại cho người trồng lúa.
Kết thúc giai đoạn 1 vào năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án, vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư cả hai giai đoạn đạt trên 5.800 tỷ đồng.
Văn DươngTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.