Mirae Asset nêu tên 3 cổ phiếu ngân hàng sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu hậu Covid

Đầu tư và Tiếp thị
10:30 PM 05/03/2022

Đánh giá triển vọng năm 2022, Mira Asset cho rằng ngành ngân hàng có nhiều cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam, sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao, sẽ sớm hồi phục mạnh với dự phóng GDP tăng trưởng 6-6.5%

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, hầu hết các ngành đều tăng điểm trong tháng 2. Trong khi đó, ngược chiều thị trường chung, Ngân hàng và Bất động sản giảm điểm mạnh, tạo áp lực kéo điểm chỉ số. Hầu hết các cổ phiếu Ngân hàng đều giảm điểm (BID: -9%; VCB: -5%; CTG: -10%; TCB: -4,5%; SSB: -10%; STB: -8%; EIB: -10%; HDB: -7%; LPB: -9%), ngoại trừ VPB ( 4%). 

Đánh giá triển vọng năm 2022, Mira Asset cho rằng ngành ngân hàng có nhiều cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam, sau khi đạt tỷ lệ tiêm vaccine cao, sẽ sớm hồi phục mạnh với dự phóng GDP tăng trưởng 6-6.5%. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm: 1) các hoạt động kinh tế cải thiện (đặc biệt ngành dịch vụ, du lịch với việc giảm 2% thuế VAT), 2) gói hồi phục kinh tế 350 nghìn tỷ đồng trong đó 113.6 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng và 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho một số ngành lĩnh vực quan trọng (trong đó có cho vay cải tạo chung cư cũ và xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân).  Các động lực tăng trưởng trên sẽ giúp gián tiếp thúc đẩy nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng 2022 sẽ vẫn duy trì tích cực với hơn 13%. 

Tuy nhiên, ngành này vẫn phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó đầu tiên là vấn đề lãi suất có thể tăng trở lại. Mặc dù lạm phát tại Việt Nam chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ, áp lực lạm phát dự kiến gia tăng trong thời gian sắp tới dưới tác động: 1) việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng, 2) thặng dư thương mại thấp, và 3) các gói hỗ trợ kinh tế sắp tới.  

Chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa lớn trong thời gian tới, trong đó nhóm ngân hàng TMCP với chất lượng tài sản tốt được kỳ vọng sẽ có sự bức phá mạnh so với mặt bằng chung. Đối với các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPB, VIB, TPB, tỷ lệ nợ xấu/trích lập dự phòng lớn dự kiến sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

"Chúng tôi đánh giá rủi ro nợ xấu vẫn còn hiện hữu tuy nhiên mức độ tác động vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng không còn quá tiêu cực", báo cáo của Mirae Asset cho biết.

Trong 2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông Tư 14/2021/TT-NHNN cho phép cơ cấu một phần dư nợ của khách hàng mà không chuyển nhóm nợ. Giá trị nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới (do kết thúc thời gian không bị chuyển nhóm nợ), tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu sẽ vẫn được duy trì ở mức kiểm soát do tăng trưởng tín dụng được dự kiến tăng trưởng tốt. Gần đây, một số ngân hàng đã đưa ra kết quả sơ bộ với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đột biến, cho thấy quyết tâm gia tăng chất lượng tài sản. 

Các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) của các ngân hàng Việt Nam cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận luôn được duy trì ở mức trên 20% cũng là một yếu tố giúp ngân hàng được hưởng mức định giá hiện tại. 

Mirae Asset nêu 3 mã ngân hàng có triển vọng khả quan nhờ nhu cầu hậu Covid là TCB, CTG, VIB. 

Mirae Asset cho rằng, VIB có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đầu ngành ngân hàng bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh trong năm 2021. 

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ với mức lợi nhuận gần 2.700 tỷ đồng trước thuế trong quý 4/2021 – mức cao nhất trong lịch sử một quý mà VIB đạt được – đã giúp ROE của VIB giữ 30% trong liên tiếp 2 năm 2020 và 2021 (dẫn đầu khối top ngân hàng thương mại cổ phần). 

VIB cũng công bố NIM 2021 đạt 4,4% giảm nhẹ so với mức 4,5% của 2020. Theo VIB, ngân hàng đã tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn, giảm đến 1,1% so với năm 2020. Dư nợ tái cơ cấu cũng được giảm mạnh so với cuối quý 3/2021. 

Theo Mirae Asset, lợi nhuận ròng 2022 dự phóng của VIB đạt 7.333 tỷ đồng (tăng 14%), chưa bao gồm các khoản lợi nhuận bất thường từ khả năng đàm phán phí trả trước cho hợp đồng bancassurance. 

CTG của VietinBank đang được giao dịch ở mức 1,8 lần GTSS, thấp hơn so với mức P/B trung bình 2,3x – 2,5x của các ngân hàng hàng đầu. P/B mục tiêu là 2x, thể hiện mức chiết khấu so với bình quân ngành đến từ vấn đề khó tăng vốn phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn. 

VietinBank có triển vọng khả quan hơn về thu nhập từ lãi cũng như chi phí dự phòng giảm trong năm 2022, tăng trưởng thu nhập khác như thu hồi nợ xấu và thu nhập từ bán chéo bảo hiểm cũng là nhân tố hỗ trợ tốt cho lợi nhuận của ngân hàng cũng như tỉ lệ an toàn vốn (CAR). 

TCB được kỳ vọng vẫn giữ được mức tăng trưởng hai con số trong trung hạn dựa trên những giả định sau: 1) tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được giữ ở mức cao hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng; 2) khả năng huy động vốn giá rẻ (CASA cao) được duy trì sẽ hỗ trợ cho NIM; và 3) CIR và chi phí dự phòng giảm giúp lợi nhuận tăng trưởng ổn định. 

Thu Thuỷ
Ý kiến của bạn