Mở cửa trường học cần được coi là giải pháp phục hồi kinh tế

Diễn đàn
11:20 AM 26/11/2021

Mở cửa trường học cần được coi là một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trẻ đến trường, cuộc sống gia đình trở lại nhịp vốn có, khi ấy cha mẹ mới yên tâm công tác, làm kinh tế để đưa xã hội phục hồi.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam nêu, các địa phương cần quyết liệt hơn trong việc cho trẻ tới trường, đặc biệt là các thành phố lớn, nơi lượng học sinh đông như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Trước đây, khi chưa phủ vaccine cho người lớn, chúng ta phải ngừng cho học sinh tới trường là đúng. Vì tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ rất thấp nhưng các em có thể lây từ người lớn. Khi độ phủ vaccine người lớn cao, đồng nghĩa đối tượng nguy cơ được bảo vệ, lúc này, học sinh nên được tới trường. Ông cho rằng, đến nay Chính phủ và Bộ GD&ĐT đều ráo riết đưa ra nhiều chính sách hướng dẫn, yêu cầu mở cửa trường học. 

Mở cửa trường học là giải pháp phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Các trường học đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 khi đón học sinh trở lại

"Mở cửa trường học cần được coi là một trong những giải pháp nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trẻ đến trường, cuộc sống gia đình trở lại nhịp vốn có, khi ấy cha mẹ mới yên tâm công tác, làm kinh tế để đưa xã hội phục hồi", GS Dong nhấn mạnh và cho rằng, để đảm bảo an toàn khi mở cửa trường học trở lại, ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, từ cấp bộ đến cấp sở, ngành và trong phạm vi từng trường học.

Tính đến sáng 23/11, cả nước có 23 tỉnh, thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em. Hà Nội là địa phương mới nhất, trước đó có: Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Đến nay, các địa phương này đã tiêm được trên 1,8 triệu liều vaccine cho trẻ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 20% dân số từ 12 đến 17 tuổi. TP Hồ Chí Minh là nơi triển khai tiêm cho trẻ đầu tiên từ 27/10 và là địa phương có số lượng tiêm nhiều nhất với hơn 660 nghìn liều. Kế tiếp đó là các tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương, Cà Mau.... Các tỉnh đã tiêm mũi 2 cho trẻ gồm: Quảng Ninh, Điện Biên, Đồng Nai, An Giang, Bình Dương.

Hiện nay các địa phương đã cho học sinh trở lại trường ở một số khối lớp. Tại Hà Nội, từ ngày 22/11, nhiều học sinh lớp 9 tiếp tục được đến trường học trực tiếp. Tính từ thời điểm 30/4 cho đến nay, các em đã rời trường gần 7 tháng để ở nhà chống dịch. Thế nên, trong ngày được đi học trực tiếp trở lại, thầy và trò đều nỗ lực để cơ hội quý như vàng này được kéo dài.

Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia khác đều thừa nhận rằng: Việc trẻ trở lại trường là một trong những bước quan trọng để phục hồi nền kinh tế. Bởi khi không phải trông con, phụ huynh mới có thể tập trung làm việc và tạo ra giá trị kinh tế nhiều hơn cho chính mình và xã hội.

Hơn nữa, đại dịch thực sự đã làm gia tăng sự bất bình đẳng trong trường học và nguy cơ một bộ phận trẻ em không được tiếp cận giáo dục đầy đủ sẽ là hệ lụy lâu dài với gia đình, xã hội. Do đó, mặc dù còn rất nhiều băn khoăn khi vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới tăng, tuy nhiên việc trở lại trường là mong mỏi của cả phụ huynh lẫn học sinh. Các trường học có chung kêu gọi các phụ huynh đặc biệt chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, và có sự phối hợp với nhà trường để đạt tốc độ tiêm chủng nhanh nhất để sớm đưa các em trở lại trường.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Điện Biên: Trưng bày bộ ảnh quý tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” Điện Biên: Trưng bày bộ ảnh quý tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”

Tại “Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ giới thiệu và trưng bày một số ảnh tư liệu về đoàn làm phim tài liệu và nhiếp ảnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại sảnh Rạp chiếu phim Điện Biên Phủ; đồng thời, trao tặng Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ bộ ảnh tư liệu này.