Mở đường bay quốc tế thường lệ: Chờ phản hồi chính thức của các nước
Đến nay, phía Việt Nam vẫn đang trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước để thống nhất số chuyến bay quốc tế, lịch bay, từ đây mới phân bổ cho hãng hàng không.
Sáng 23/12, lãnh đạo Cục Hàng không cho hay, đang trao đổi với một số nước và lãnh thổ dự định nối lại đường bay quốc tế chở khách, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia.
Trong đó, Nhật Bản đã có ý kiến chính thức và thống nhất trước mắt sẽ thực hiện 4 chuyến/tuần cho mỗi bên. Ngoài ra, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đã cơ bản đồng ý nối lại đường bay, nhưng cần thống nhất thêm tần suất, hãng khai thác. Riêng đường bay Mỹ, hiện chỉ Vietnam Airlines khai thác và đã được Mỹ cấp phép nên hãng theo đó thực hiện.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, để cấp phép bay, giữa Việt Nam và các nước đối tác cần phải thống nhất được sân bay đi/đến, tần suất phân bổ cho hãng hàng không mỗi nước, chỉ định hãng khai thác… Do tới nay vẫn trong quá trình đàm phán để chốt lại các vấn đề trên, nên chưa đủ cơ sở để Cục Hàng không cấp phép bay cho các hãng.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, dù các nước rất quan tâm đến việc mở lại đường bay quốc tế, nhưng hiện họ vẫn đang cân nhắc một số vấn đề, trong đó có việc nhu cầu kiểm dịch như thế nào, có thuận lợi không, có đảm bảo cho các hãng của bạn bay đến hay không? Ngoài ra, các nước cũng đang cân nhắc bố trí số chuyến phân bổ của nước mình, phân bổ cho hãng nào? Chỉ định ai bay?...
Hiện, Cục Hàng không Việt Nam mới nhận được ý kiến chính thức từ phía Nhật Bản, trước mắt sẽ thực hiện 4 chuyến một tuần cho mỗi bên.
Ngay trong ngày 22/12, Cục Hàng không đã họp với các hãng, thống nhất phương án triển khai, phân bổ cho các hãng theo nguyên tắc hãng nào đã có đường bay từ trước dịch sẽ được phân bổ hay nói cách khác là sẽ khôi phục đường bay cho các hãng đã có chuyến bay. Trước mắt, Cục chưa xem xét cho hãng mới trong giai đoạn này.
Cụ thể, với đường bay đến Nhật Bản, trước dịch từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đi Tokyo chỉ có Vietnam Airlines và Vietjet bay nên Cục Hàng không thống nhất chỉ phân bổ cho Vietnam Airlines và Vietjet. Số lượng chuyến bay của mỗi hãng được quyết định theo tỷ lệ các chuyến bay trước đây họ đã có. Phía Nhật cũng đã thông báo cho Cục Hàng không Viêt Nam sẽ chỉ định 2 hãng bay là Japan Airlines và ANA.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không tuân thủ nghiêm các yêu cầu của Bộ Y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phục vụ truy vết khi có yêu cầu. Trước chuyến bay phải thông báo, nhắc nhở hành khách để biết và hiểu các yêu cầu phòng chống dịch bệnh của mình để họ hiểu và thực hiện.
Nhấn mạnh Chính phủ quyết định thời điểm mở lại bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 là tín hiệu vui, phía Vietnam Airlines chuẩn bị cho sự phục hồi bay quốc tế bằng việc khai thác thí điểm 5 tỉnh, thành sau khi Chính phủ cho phép và sẵn sàng cho các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ.
Ngoài ra, Vietnam Airlines tiếp tục báo cáo xem xét mở rộng thêm các nước mở đường bay quốc tế như đi châu Âu, Australia vốn được kiểm soát dịch tốt và dung lượng thị trường người Việt ở nước ngoài nhiều, nhất là sát dịp Tết Nguyên đán./.
Chính phủ yêu cầu khẩn trương mở đường bay quốc tế
Trước đó, Chính phủ đã đồng ý mở lại đường bay quốc tế thường lệ chở khách về Việt Nam từ ngày 1/1/2021. Ngày 22/12, Chính phủ tiếp tục có văn bản yêu cầu các bộ ngành khẩn trương triển khai theo kế hoạch trên, trong bối cảnh có phản ánh "từ nay đến thời điểm thí điểm mở đường bay quốc tế còn một tuần, nhưng chưa có đủ hướng dẫn của các Bộ".
5 đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ gồm: Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.