Mở đường cho nông sản Hà Nội rộng đường xuất khẩu
Việc thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ mở đường cho nông sản Hà Nội tiến sâu vào thị trường quốc tế.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, mặc dù quy mô sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội còn nhỏ lẻ, nhưng tổng diện tích sản xuất lại khá lớn và có những sản phẩm phù hợp cho xuất khẩu như quế, hồi, gia vị (tỏi, gừng, ớt), chè xanh, chè đen, gạo, nấm hương, mộc nhĩ… đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao như GlobalGAP, VietGAP và HACCP. Những tiêu chuẩn này không chỉ đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính mà còn nâng cao giá trị và uy tín của nông sản Việt Nam.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 250 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã có hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, trong năm 2023, các DN, hợp tác xã đã đóng góp hơn 1,35 tỷ USD giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, nông sản tiếp tục là nhóm sản phẩm tăng trưởng cao nhất trong 11 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Hà Nội.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hà Nội, đứng đầu là gạo 50%, cà phê 14%, hạt điều 11,5%, hạt tiêu 6,8% và chè 4,6%. Khu vực Đông Á là thị trường có số DN xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất với 69 DN; tiếp đến là thị trường châu Âu, Mỹ (59 DN), khu vực Nam Á (50 DN), khu vực Đông Nam Á (19 DN) và khu vực Trung Đông (13 DN).
Các doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư vào công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nhằm kéo dài thời gian sử dụng và đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại cũng giúp các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới khách hàng và tìm kiếm cơ hội hợp tác mới.
Hà Nội hiện đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và có 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30 đến 50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu. Hà Nội còn có diện tích rất lớn các sản phẩm với tiềm năng xuất khẩu cao như: hơn 7.000ha lúa Japonica; 3.200ha chuối tiêu hồng; 50ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, Hà Nội còn là lá cờ đầu của cả nước về phát triển sản phẩm OCOP. Lũy kế từ 2019 đến nay, TP đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây là nguồn sản phẩm tiềm năng phục vụ xuất khẩu đã khẳng định được chất lượng.
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nông sản Hà Nội có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhưng vấn đề hiện nay là quy hoạch và công nghệ. Do đó, kỳ vọng Luật Thủ đô (sửa đổi) và Quy hoạch chung Thủ đô khi triển khai sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt này.
Theo đó, quy hoạch nông nghiệp sẽ thiết lập không gian phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị; nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Đây là vùng sản xuất với quy mô vừa, phù hợp quỹ đất của Hà Nội, song đi liền là ứng dụng công nghệ trong quá trình canh tác, sơ chế, chế biến để xuất khẩu. Đây được đánh giá là chìa khóa để tháo gỡ nút thắt hiện nay cho xuất khẩu nông sản Hà Nội nói riêng, tạo giá trị gia tăng cho ngành và nông dân nói chung.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần lựa chọn những sản phẩm có thế mạnh để xây dựng lộ trình sản xuất gắn với chế biến để xuất khẩu.
Với việc áp dụng công nghệ và xây dựng các chiến lược sản xuất, chế biến hiệu quả, thời gian tới nông sản Hà Nội sẽ khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cho nông dân và toàn ngành nông nghiệp.
An MaiCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.