Mở đường cho xuất khẩu tăng tốc

Đầu tư và Tiếp thị
02:25 PM 07/07/2021

Dịch bệnh ở các khu công nghiệp lớn khu vực miền bắc dần được kiểm soát; nhu cầu từ các thị trường nước ngoài tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu hàng hóa, bù đắp phần thiếu hụt thời gian qua.

Lượng đơn hàng gia tăng

Mới đây, hơn ba tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (Đức), đáp ứng đầy đủ tiêu chí về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nước sở tại và được giao tận tay bà con kiều bào tại Đức, Séc. Đây là lần đầu tiên nông sản Việt được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành.

Mở đường cho xuất khẩu tăng tốc - Ảnh 1.

Vải thiều được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình thương mai điện tử xuyên biên giới. Ảnh minh họa

Sự kiện này không những kéo dài hơn những thành tích mà quả vải thiều Việt Nam đạt được trên thị trường thế giới, mà còn đóng góp tích cực cho thành tích xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.

Ở một ngành hàng xuất khẩu khác là dệt may, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cho biết, do Ấn Độ - đối thủ cạnh tranh lớn của ngành dệt may Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp quốc tế chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam. Nhu cầu trên thị trường thế giới gia tăng giúp nhiều công ty trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm 2021.

Không chỉ với Việt Thắng Jeans mà báo cáo mới nhất của Bộ Công thương cho thấy, ngành dệt may, da giày đã và đang tiếp tục nhận được những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến hết năm. Người tiêu dùng Mỹ và châu Âu có nhu cầu tăng mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Tương tự, các biện pháp cách ly ở nhiều nước vì dịch Covid-19 cùng việc tăng cường sử dụng công nghệ trực tuyến giúp xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử cũng tăng mạnh. Theo đó, năm 2021, ngành điện tử dự báo tiếp tục tăng trưởng, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử có thể đạt khoảng 53-54 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.

Theo thống kê của Bộ Công thương, sáu tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 157,6 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu là 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn có tác động rất sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu thì mức tăng trưởng hai con số như vậy có thể nói là một thành tích hết sức ấn tượng.

Các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong sáu tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi.

Tạo thuận lợi tối đa cho xuất khẩu

Bộ Công thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vaccine, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Mở đường cho xuất khẩu tăng tốc - Ảnh 2.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tăng giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao, nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tỷ trọng rất lớn (khoảng hơn 90%) làm gia tăng giá trị nhập khẩu, ảnh hưởng tới giá thành và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do đó, Bộ Công thương đã và đang phối hợp các bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường, giảm phát thải.

“Điều đáng mừng nhất qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để có thể đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục cập nhật kịp thời tình hình, diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước. Đề xuất các biện pháp để duy trì, phát triển thị trường xuất khẩu.

Hà Anh
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.