Mô hình "Chợ văn minh": Góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Thủ đô
Thời gian qua, nhiều mô hình "Chợ văn minh, an toàn thực phẩm" trên địa bàn Thủ đô đã góp phần duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, bảo đảm tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, góp phần gìn giữ và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô.
Việc thực hiện mô hình "Chợ văn minh, an toàn thực phẩm" tại nhiều khu chợ trên địa bàn Hà Nội đã bước đầu hình thành và duy trì môi trường kinh doanh an toàn, văn minh, đảm bảo tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.
Mô hình đang được triển khai tại nhiều khu chợ truyền thống như chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng); chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên); chợ Giá (huyện Hoài Đức)... Một số quận, huyện cũng chủ động chỉ đạo thực hiện mô hình điểm như Gia Lâm, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Xuân...
Một số chợ kinh doanh tốt, số lượng người buôn bán trong chợ tăng lên so với các năm trước đây như chợ Quỳnh Đô, chợ Thanh Liệt, chợ Cầu Bươu,... qua đó, làm tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa bàn, góp phần tích cực trong phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Hiện tại, 100% các chợ đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, và được đào tạo, huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo quy định. Công tác an toàn thực phẩm tại chợ từng bước được thực hiện tốt hơn, 100% các hộ tiểu thương ký cam kết an toàn thực phẩm và được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn được nâng cao.
Việc triển khai xây dựng mô hình chính là bước cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong không gian chợ, là biện pháp truyền thông hiệu quả nhất để đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng vào cuộc sống thông qua sự tương tác, giao thương giữa các hộ kinh doanh, tiểu thương khu vực chợ với người dân đến mua bán hàng tại chợ.
Để nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình "Chợ văn minh, an toàn thực phẩm", trong giai đoạn tiếp theo rất cần sự vào cuộc, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, chính quyền, Hội Liên hiệp phụ nữ. Đặc biệt, cần chú trọng truyền thông tới người bán và người mua, chọn một số việc trọng điểm để triển khai thực hiện nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong kinh doanh…
Mô hình "Chợ văn minh thương mại" nếu được nhân rộng sẽ tạo lòng tin cho người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng các sản phẩm thực phẩm. Đây cũng là một trong những nét văn hóa cần được phát huy, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Thủ đô.
An MaiMột loạt chính sách liên quan đến vấn đề kinh tế, xã hội như hỗ trợ phát triển hợp tác xã, thông tư quy định về giao dịch chứng khoán, chứng thực đủ chữ ký trong văn bản... chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2024.