Mô hình kinh tế số phát triển mạnh trên toàn cầu, liệu Việt Nam còn giữ được lợi thế về lực lượng lao động?

Diễn đàn
03:37 PM 03/05/2021

Khi công nghệ kỹ thuật số dần thay đổi mô hình nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược để tận dụng những thay đổi này, phát triển khu vực khởi nghiệp của quốc gia và đưa ra hỗ trợ thích ứng.

Thách thức lớn của Việt Nam trong mô hình kinh tế mới

Các nền kinh tế trên toàn cầu đang chứng kiến một mô hình công nghiệp mới, được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ kỹ thuật số và hệ thống thực - từ chuỗi giá trị và logistics cho đến sản xuất. Thời gian vừa qua, công nghệ di động, trí tuệ nhân tạo và người máy... đã tạo ra loạt ngành công nghiệp mới và ngày càng mở rộng.

Nhiều lĩnh vực mới đang hình thành xung quanh IoT (internet vạn vật), xe tự hành, in 3D và điện toán lượng tử. Ranh giới giữa sinh học và công nghệ cũng đang thay đổi thông qua nano và công nghệ sinh học, những ứng dụng mới của dữ liệu lớn cũng như trí tuệ nhân tạo.

Trong lịch sử, nền kinh tế toàn cầu đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp liên tiếp. Đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế đã trở nên năng động hơn bao giờ hết nhờ sự kết hợp giữa lực lượng lao động và hệ thống công nghệ thông minh được xây dựng bằng học máy (machine learning) và dữ liệu lớn.

Đáng chú ý, đây được đánh giá là một thách thức lớn đối với Việt Nam, khi mô hình sản xuất thay đổi và lực lượng lao động không còn là lợi thế cạnh tranh như trước đây.

Đại dịch Covid-19 đã khiến các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải chịu những tác động kinh tế nghiêm trọng. Song, bên cạnh những thách thức này, vẫn còn cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách kinh tế với các nước phát triển hơn, từ đó hiện thực hoá quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển cũng tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam để tăng trưởng, nhất là khi quốc gia đang đặt mục tiêu nâng cao thu nhập và mức sống bằng cách xây dựng các lợi thế cạnh tranh hiện có.

Mô hình kinh tế số phát triển mạnh trên toàn cầu, liệu Việt Nam còn giữ được lợi thế về lực lượng lao động? - Ảnh 1.

Những nỗ lực để trở thành trung tâm khởi nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng các nguồn lực sẵn có trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các chính sách và chương trình mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã vạch ra các chính sách chủ động giúp đất nước tham gia vào quá trình chuyển đổi kinh tế. Ngoài ra còn có các chính sách tạo nền tảng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và năng lực sáng tạo trong bối cảnh hiện tại.

Tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã khởi động chương trình nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hoá cũng như năng lượng sạch, thông qua tiếp cận miễn phí cơ sở hạ tầng, tài chính công và ưu đãi thuế.

Tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hợp Quốc (WIPO) đã xếp Việt Nam đứng thứ 42 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Đáng chú ý, Việt Nam đứng thứ 3 trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia và Singapore, và thứ 9 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển của đất nước. Kể từ năm 2017, sự xuất hiện của các doanh nghiệp khởi nghiệp như VNPay, Tiki... đã cho thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam như một trung tâm khởi nghiệp. Lĩnh vực này được thúc đẩy bởi chi tiêu người tiêu dùng thăng, doanh thu từ các sàn thương mại điện tử và fintech cũng tăng manh, cùng với các quỹ đầu tư nước ngoài ngày càng chú ý đến Việt Nam.

Những kết quả tích cực

Tại Vietnam Ventures Summit 2020, các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đã cam kết đầu tư 815 triệu USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp - cao hơn gấp đôi số tiền đầu tư trong năm 2019. Hay như quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups của Mỹ có kế hoạch hỗ trợ 80 công ty khởi nghiệp trong nước vào cuối năm 2021.

Lĩnh vực fintech của Việt Nam nói riêng đã mở rộng nhanh chóng, tăng từ 44 công ty vào năm 2017 lên 123 công ty vào năm 2020. Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng đạt kết quả tích cực bao gồm: AI, công nghệ thông tin và công nghệ thực phẩm.

Nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng này, Chính phủ Việt Nam đã tạo ra loạt sáng kiến tài trợ, đào tạo và đem lại cơ hội ươm tạo khởi nghiệp. Ví dụ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM đã tạo ra một quỹ riêng 11,75 tỷ đồng hay như Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập nền tảng Startupcity.vn, kết nối các nhà đầu tư và doanh nhân, để nuôi dưỡng cộng đồng khởi nghiệp.

Nhìn chung, nỗ lực tối đa hoá lợi ích kinh tế trong mô hình mới này sẽ phụ thuộc vào sự linh hoạt và các chiến lược hiệu quả - giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Việt Nam được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận tiềm năng trong quá trình chuyển đổi kinh tế toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam cần tận dụng nhanh chóng những thay đổi để tạo động lực tăng trưởng mới, xây dựng các biện pháp bảo vệ xã hội, môi trường và nền kinh tế đang phát triển.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn