Mở lại đường bay quốc tế: Nhiều khó khăn chờ sẵn

Cộng tác viên
07:30 AM 18/07/2020

Ngay trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT cũng thừa nhận việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế vào thời điểm hiện tại sẽ có một số khó khăn.

Hạ tầng hàng không trong nước đang gặp khó khăn với dự án sửa chữa 2 sân bay lớn nhất nước. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, khó khăn dễ nhận ra nhất là các hãng hàng không Việt Nam khó bảo đảm nguồn nhân lực (phi công, tiếp viên) để khai thác đồng thời mạng đường bay nội địa và quốc tế. Lý do bởi từ trước đến nay, các tổ bay quốc tế của các hãng bay chỉ thực hiện những chuyến bay quốc tế chứ không tham gia vào chuyến bay nội địa. Trong trường hợp muốn tham gia bay nội địa thì sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày để phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

Ngoài ra, hiện nay, 2 sân bay lớn nhất cả nước (Nội Bài và Tân Sơn Nhất) đang thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng nên công suất khai thác giảm chỉ còn 60 - 70% so với trước kia. Đây cũng là rào cản lớn. Riêng về năng lực khai thác của các sân bay trong những ngày gần đây đang là vấn đề nóng của ngành hàng không.

Nguyên tắc số một của mỗi quốc gia là bảo đảm an toàn cho người dân, không thể vì lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Do đó, cần phải nghiên cứu, xem xét việc mở lại đường bay quốc tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Theo Cục Hàng không Việt Nam, kể từ ngày 1/7 đến nay, khi bắt đầu dự án cải tạo 2 sân bay đã xảy ra hiện tượng các hãng hàng không khai thác chưa đúng với kế hoạch. Điều này gây ra tình trạng ùn tắc tại nhiều khung giờ, tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Hiện tượng này nghiêm trọng đến mức, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải gửi tâm thư cho hành khách đi máy bay bày tỏ mong muốn nhận được sự thông cảm đối với những khó khăn mà ngành Hàng không đang gặp phải.

Gần đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra cảnh báo tới các hãng bay rằng sẽ hủy phép bay và thu hồi slot (giờ cất/hạ cánh tại sân bay) đã cấp nhưng hãng cố tình thay đổi slot cho chuyến bay mà không được xác nhận. Thậm chí, Cục Hàng không Việt Nam sẽ thu hồi toàn bộ slot của hãng hàng không tại cảng hàng không đối với trường hợp hãng cố tình thực hiện việc mở bán vé trước khi được xác nhận slot.

Một khó khăn nữa mà ngành hàng không sẽ phải đối mặt khi mở lại đường bay quốc tế, là Bộ Y tế vẫn chưa có bộ hướng dẫn chính thức về quy trình kiểm dịch y tế với khách nhập cảnh Việt Nam. Bộ GTVT khẳng định, đây là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không các nước trao đổi với nhau trong cấp phép bay đồng thời phục vụ quá trình đàm phán với các đối tác về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với chuyến bay cũng như đối với nhân viên hàng không.

Đặc biệt, việc thiết lập lại đường bay quốc tế phải trên nguyên tắc “có đi có lại”. Chẳng hạn, Việt Nam thiết lập các chuyến bay đến Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia) cần được sự cấp phép và phối hợp của nhà chức trách hàng không của các nước đối tác. Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại đường bay.

Tuy nhiên, công tác đàm phán với một trong những đối tác lớn là Trung Quốc đã ngay lập tức gặp khó khăn khi Cục Hàng không Việt Nam nhiều lần đề nghị song đến nay chưa nhận được phản hồi. Bộ GTVT thừa nhận, để mở được đường bay tới Quảng Châu (Trung Quốc) cần phải tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao.

Nhận định về kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) khẳng định, việc mở lại đường bay quốc tế không thể là quá trình diễn ra một chiều nên để quá trình đàm phán với các quốc gia điểm đến tiềm năng thuận lợi, ngoài Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao cũng có vai trò quan trọng trong việc kết nối đồng thuận 2 chiều giữa Việt Nam và các nước.

Về thời điểm có thể mở lại đường bay quốc tế, TS Lương Hoài Nam cho rằng, với tình hình đàm phán giữa Việt Nam và những quốc gia điểm đến tiềm năng đang chậm, thậm chí là chưa thể khởi động thì viễn cảnh về việc các hãng hàng không có thể khai thác bay quốc tế trở lại từ tháng 7/2020 là không khả khi. “Dù Chính phủ cùng các DN hàng không đang nỗ lực tìm cách sớm mở lại một vài đường bay quốc tế, việc đón khách nước ngoài qua đường hàng không từ tháng 7 vẫn được xem là bất khả thi” - TS Lương Hoài Nam nhận định.

Hòa Thắng
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.