Mở rộng cung ứng cho thị trường bán lẻ thịt lợn từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát chỉ số CPI theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, UBND TP Hà Nội đã đề nghị các sở, ngành TP và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu (trong đó có mặt hàng thịt lợn) triển khai các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi, sản xuất, đảm bảo bình ổn giá.
Tại văn bản số 2706/UBND-KT ngày 29-6-2020, UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, xác định cụ thể nguồn cung mặt hàng nông sản thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn và các loại sản phẩm thịt thay thế; từ đó đánh giá nguồn cung để kịp thời triển khai các giải pháp, phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân; đồng thời tuyên truyền, định hướng để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng, tránh tình trạng giá cả, cung cầu của các mặt hàng biến động đột ngột quá cao hoặc quá thấp.
Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ, các siêu thị triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Mở rộng cung ứng cho thị trường bán lẻ nguồn thịt lợn từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của người dân, góp phần dẫn dắt, ổn định thị trường và giảm áp lực nguồn cung mặt hàng thịt lợn; định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
UBND TP yêu cầu Sở NN&PTNT phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng thịt trong từng tháng để đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn, từ đó có phương án điều hòa cung-cầu thịt lợn.
Chủ trì, phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP, các đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức có hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng tăng tổng mức tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2020.
Sở Tài chính tham mưu giúp UBND TP thực hiện tốt công tác điều hành giá, đặc biệt là các nhóm đang tăng cao (thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng...) và giá các mặt hàng thiết yếu. Nắm bắt kịp thời các mặt hàng có xu hướng tăng ảnh hưởng đến chỉ số CPI trong các tháng cuối năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra giá trên địa bàn.
Sở NN&PTNT phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính nắm chắc diễn biến tình hình giá cả đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm (đặc biệt là mặt hàng thịt lợn). Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh; tổng hợp, phân tích và đưa ra số liệu cụ thể về dự kiến lượng thịt (đủ tiêu chuẩn xuất chuồng theo quy định để giết mổ, cung cấp ra thị trường) trong từng tháng. Từ đó đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn để có phương án điều hòa cung-cầu thịt lợn.
Theo dõi sát diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP, tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các lò giết mổ, buôn bán, kinh doanh, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn; Đẩy mạnh xây dựng các vùng chăn nuôi, liên kết sản xuất chuỗi thịt lợn an toàn. Chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch tái đàn cụ thể, tổ chức chăn nuôi theo từng vùng, từng khu vực chăn nuôi (doanh nghiệp, hộ gia đình) với lộ trình cụ thể, thời gian theo từng tháng để sớm đảm bảo nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Sở TT&TT phối hợp Sở Công Thương, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo các đơn vị truyền thông, báo chí đưa thông tin chính xác, tích cực, đa chiều, phản ánh đầy đủ về tình hình sản xuất, cung ứng, nhu cầu thịt lợn. Chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Công Thương tuyên truyền, định hướng người tiêu dùng tăng cường sử dụng đa dạng các loại thịt lợn, tiêu dùng thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh đảm bảo chất lượng và các sản phẩm thay thế như thịt gia súc, gia cầm và thủy, hải sản.
Sở Du lịch triển khai có hiệu quả Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn TP năm 2020, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội, gồm du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại được tổ chức trên địa bàn TP nhằm thu hút khách du lịch đến Hà Nội.
Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; phối hợp các ngành kiểm tra, kiểm soát thị trường, thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...; kiểm tra, xử lý nghiêm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ (lưu ý mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn). Chỉ đạo, phân công các Đội quản lý thị trường theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thiếu hàng, khan hiếm hàng hóa, giá cả tăng đột biến.
UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường và phối hợp triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kiềm chế lạm phát trên địa bàn. Phối hợp Sở Công Thương tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường trên địa bàn: tổ chức các Hội chợ hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá để thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong nhân dân, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm trên địa bàn.
UBND TP yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn mở rộng cung ứng ra thị trường bán lẻ nguồn thịt lợn từ các cơ sở sản xuất trong nước và đơn vị nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu đa dạng của người dân, góp phần dẫn dắt, ổn định thị trường và giảm áp lực nguồn cung mặt hàng thịt lợn; định hướng người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm thịt từ nguồn nhập khẩu.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tham gia Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2020 của Thành phố, trong đó có mặt hàng thịt lợn (thực hiện các chương trình khuyến mại, chiết khấu, giảm giá bán,...).
Đồng thời, thường xuyên thông tin nhanh tình hình thị trường, giá cả, đặc biệt khi mới xuất hiện những biến động bất thường của thị trường; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh; những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm cải thiện tình hình bán ra của doanh nghiệp để Sở Công Thương kịp thời phối hợp với các ngành giải quyết và báo cáo UBND TP để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tăng cường đưa hàng Việt vào kinh doanh tại hệ thống nhằm tăng việc lựa chọn hàng Việt của người tiêu dùng; chủ động tổ chức các hoạt động bán hàng và các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong nhân dân, thu hút người dân đến mua sắm hàng hóa tại các điểm bán; đổi mới phương thức bán hàng, áp dụng khoa học công nghệ mới, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân.
Triển khai chương trình khuyến mại tập trung của TP năm 2020. Tìm kiếm, hình thành các chuỗi liên kết, cung ứng sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm ổn định nguồn hàng, hạ giá thành sản phẩm khuyến khích tiêu dùng.
T. AnBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.