Mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng mức thuế đối với túi ni-lông

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:05 PM 08/09/2020

Giá bán nhiều loại túi ni-lông còn thấp hơn mức thuế đánh vào nó. Cho nên, mới đây Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác...

Tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni-lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi ni-lông;

Việc sử dụng túi ni-lông vẫn được nhiều người dân ưa chuộng vì tính năng tiện lợi của nó.

Việc sử dụng túi ni-lông vẫn được nhiều người dân ưa chuộng vì tính năng tiện lợi của nó.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn...; Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa và đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng phát triển bền vững; Chỉ đạo thực hiện mục tiêu "Tiếp tục đẩy mạnh và sớm triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần"...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi ni-lông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng túi ni-lông vẫn được nhiều người dân ưa chuộng vì tính năng tiện lợi của nó.

Chị N.T.M (giấu tên) là người đưa buôn túi ni-lông cho các gian hàng trong chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, HN) cho biết: Giá thành của túi ni-lông rẻ, hơn nữa sử dụng tiện lợi cho người mua. Nhất là như khu chợ này, đối tượng phục vụ chủ yếu là sinh viên nên giá thành mọi thứ đều thấp hơn nơi khác rất nhiều. Cho nên cái gì tiết kiệm được là chủ quầy hàng sẽ tiết kiệm, điển hình là dùng túi ni-lông loại rẻ.

"Không những vậy, nhiều khi sinh viên, không có tiền mua nhiều, nhưng lại thích mua nhiều thứ khác nhau, cho nên có khi chỉ mua 1 cái bánh rán cũng phải túi ni-lông, chứ cầm tay lại không được", chị N.T.M nói.

Theo tìm hiểu được biết, thường các chợ sẽ xử dụng túi xốp hàng chợ, là loại túi ni-lông hai quai, xốp, mỏng nhẹ và có nhiều kích cỡ từ 0,5kg tới 20kg. Túi xốp đựng hàng chợ giá rẻ hơn các loại túi ni-lông khác và cũng có nhiều loại như: hàng loại 2 - các cỡ thông thường từ đựng 2kg trở lên. Hàng đại lý và tạp hóa, là hàng loại 1 thường không mùi (kể cả túi xốp trong và các màu) đủ cỡ từ 0,5kg trở lên và dai hơn. Túi xốp đen là loại túi giá rẻ nhất.

Thông thường túi ni-lông có nhiều loại cỡ từ 5kg, 2kg đến túi 0,5kg đều có giá bán từ 25.000 - 37.000 đồng/kg tùy từng chất lượng túi. Nếu người mua nhiều sẽ được giảm giá. Túi ni-lông trong siêu thị sẽ là loại túi ni-lông cao cấp, thường là loại hai quai, nhưng được sản xuất đặc biệt để bền dai hơn và có giá thành đắt hơn khoảng 3.000 – 7.000 đồng/kg tùy loại và tùy số lượng.

Chia sẻ về việc sử dụng túi ni-lông tại Việt Nam, Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh trao đổi trên Kinh tế & Đô thị cho biết, để hạn chế sử dụng túi ni-lông, vấn đề không nằm ở chính sách thuế. Câu chuyện nằm ở việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế. Ông Ánh cho rằng, việc tăng thuế dẫn đến tăng giá túi ni-lông không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, tăng thuế bao nhiêu cho đủ.

Vì thế, nên cấm sử dụng triệt để túi ni-lông. Khi đó, thị trường sẽ tự khắc tìm sản phẩm thay thế. Điều này sẽ kích cầu và kích cung được việc sử dụng và sản xuất các loại vật liệu thay thế thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với túi ni-lông, nguồn thu này không đủ để bù đắp những tác hại của túi nilon mang lại với môi trường.

Trung Kiên
Ý kiến của bạn