Mỗi ngày người Việt chi khoảng 790 tỷ đồng mua hàng online
Theo Metric, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng 790 tỷ đồng mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo mới nhất của Metric - một trong hai đơn vị hàng đầu về phân tích dữ liệu thương mại điện tử tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, người Việt chi khoảng 790 tỷ đồng mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo).
6 tháng đầu năm, người tiêu dùng mua 1.533 triệu sản phẩm trực tuyến (tính theo đơn nhận thành công), tăng 65,5% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ.
"Với nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền", báo cáo nhận định.
Tính theo nhóm ngành, người Việt chi tiêu nhiều nhất cho làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống trong nửa năm qua. Cả 3 ngành này dẫn đầu về doanh số lẫn sản lượng bán trực tuyến. Tính trung bình mỗi ngày, người Việt chi 144 tỷ đồng cho đồ làm đẹp, hơn 100 tỷ đồng cho quần áo nữ cũng như vật dụng nhà cửa.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, cả người bán và người mua hàng trực tuyến đều phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Ngành hàng này không chỉ phát triển nhanh mà còn thay đổi liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thích ứng một cách linh hoạt.
Kênh online đang ngày càng cạnh tranh khi nhiều thương hiệu chuyển dần từ kênh bán hàng truyền thống sang, sự tham gia của những người nổi tiếng, các nhà xưởng muốn bán trực tiếp cho khách đầu cuối. Chưa kể, trên hầu hết sàn, khách còn có thể mua sản phẩm từ cửa hàng nước ngoài dễ dàng, đa dạng.
Song song đó, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mua sắm trực tuyến, đặc biệt là hàng giả, hàng kém chất lượng. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện hoàn toàn.
Hiện một số khách hàng tự chủ động lựa chọn các gian hàng chính hãng (Shop Mall) để mua sắm. Metric cho hay, thị phần của Shop Mall nửa năm qua đã tăng 12,29%, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nguồn gốc rõ ràng, nhà bán uy tín.
Cũng theo Metric, cuối tháng 8 và tháng 9 là thời điểm vàng cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn TMĐT. Doanh số ngành này trong 2 tháng gần đây đã bắt đầu tăng mạnh. Năm nay, xu hướng này tiếp tục được Metric dự đoán sẽ "bội thu".
Minh An (t/h)Số liệu công bố của Cục Thống kê TP Hà Nội sáng ngày 2/11 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 10 tháng năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023.