Mong đợi từ những cánh đồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nhiều mục tiêu, ngoài nâng cao chất lượng lúa gạo, sản xuất lúa gạo bền vững, còn hướng đến giảm phát thải trong trồng lúa .
Mang lại nhiều hiệu quả thiết thực
Đó là khẳng định của anh Đoàn Trung Hiếu- Phó Giám đốc HTX Phú Nông Xanh (xã Vĩnh Phú, Giang Thành, Kiên Giang), người trực tiếp quản lý, canh tác mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo chủ trương của Chính phủ và liên kết với Công ty CP Lương thực A An thực hiện.
Theo anh Hiếu, qua triển khai trên diện tích 5ha trong vụ hè thu, hiệu quả trông thấy rõ. Cụ thể, mô hình áp dụng phương pháp sạ cụm, giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 120 kg/ha xuống còn 70-80kg/ha. Việc gieo sạ cụm khiến cho lúa không bị gãy đổ, dù đang là vụ hè thu và thời tiết mưa bão.
Mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser kết hợp với việc theo dõi bằng công nghệ cảm biến nước giúp quản lý được nước, tiết giảm được chi phí. Mỗi cảm biến nước có thể sử dụng trên diện tích 5ha. Ảnh Trương Hưng
Mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser, cùng với đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi và quản lý nước và các hiện tượng diễn ra trên đồng ruộng giúp giảm được nước và chi phí sản xuất.
"Tổng chi phí sản xuất trên diện tích mô hình 5ha là 122 triệu, trung bình mỗi ha chi phí khoảng 25 triệu. So sánh với việc trồng lúa đối chứng và chi phí canh tác của bà con trên địa bàn, mô hình này tiết kiệm được khoảng 5 triệu/ha", anh Hiếu khẳng định.
Tiến sĩ Phan Hiếu Hiền- nguyên Giám đốc Trung tâm năng lượng và máy Nông nghiệp, Đại học Nông lâm TP.HCM cho rằng: thực hiện mô hình này có hai mục tiêu. Thứ nhất là áp dụng các quy trình kỹ thuật mới để giảm chi phí, tăng năng suất, tăng giá trị để tăng thu nhập cho nông dân.
Thứ hai thông qua việc giảm giống, thuốc trừ sâu, nước tưới sẽ giảm được ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế.
Kết quả của mô hình này là nền tảng, là cơ sở để ngành nông nghiệp thành phố nhân rộng trên toàn bộ diện tích tham gia đề án như đã cam kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Giảm ô nhiễm môi trường
Ngoài việc giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cái quan trọng nhất cho đời sống đó là giảm ô nhiễm môi trường khi áp dụng đúng quy trình sản xuất.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu- Giảng viên trường Đại học Tiền Giang: Canh tác lúa chất lượng cao" là nói về chất lượng hạt gạo ngon, thơm, sạch phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Chất lượng gạo cũng nói đến tính an toàn về thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu.
"Phát thải thấp" là các loại khí thải trong quá trình diễn ra vừa tự nhiên và do con người gây ra cần được hạn chế tối đa.
Với sản lượng lúa gạo lớn, ĐBSCL tạo ra khoảng 26-27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, là thức ăn gia súc. Việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường trong khi vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn nhằm tăng tối đa dinh dưỡng chứa trong rơm, giảm thất thoát dinh dưỡng, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan.
"Việc nâng cao năng suất, chất lượng trồng lúa gắn với bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu, phù hợp với nhu cầu thị trường ngày càng cao và quy định của các nước nhập khẩu. Chúng tôi mong muốn bà con cùng chung tay phát triển vùng ĐBSCL trở thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, bảo đảm chất lượng canh tác bền vững và hiệu quả", Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.
Nhân rộng mô hình tới bà con nông dân
Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092 nghìn ha, trong đó 2.575 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và sản lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Công ty CP Lương thực A An tổ chức Hội thảo canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp với mong muốn nhân rộng mô hình và lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, cùng chung tay làm nông nghiệp sạch, chất lượng
Thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Nhưng để nhân rộng mô hình này theo nhiều chuyên gia nông nghiệp cần chú trọng đến công tác đào tạo để người nông dân nắm vững, thuần thục những gói hỗ trợ kỹ thuật; sớm đưa vào chương trình càng nhanh, càng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ, giống lúa có đặc điểm nổi trội về dinh dưỡng; có hệ thống giám sát, báo cáo được quốc tế công nhận để sản phẩm của Đề án thực sự là "gạo chất lượng cao, carbon thấp".
Bên cạnh đó cần có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai Đề án; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hoá và hệ thống hạ tầng thuỷ lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản suất lúa gạo; có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mục tiêu của chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp là tăng thu nhập cho nông dân và thông qua việc giảm thuốc trừ sâu, giảm nước, giảm thuốc bảo vệ thực vật, sẽ giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Hầu hết bà con nông dân tham dự buổi Hội thảo và thu hoạch lúa của HTX Phú Nông Xanh đều mong muốn lan toả mô hình này khắp ĐBSCL và cả nước. Hơn ai hết, chính họ- những người trồng lúa luôn khao khát có cuộc sống tốt đẹp hơn, với thu nhập cao hơn, môi trường trong sạch hơn và giờ đây là có thể chung tay đóng góp vào nỗ lực chung của toàn thế giới chống biến đổi khí hậu khi sản xuất được hạt gạo sạch và thân thiện với môi trường, từ đó đem hạt gạo Việt vươn tầm thế giới!
Trương HưngViệt Nam có thể đạt được mục tiêu 10 tỷ phú USD vào năm 2030 nếu chúng ta triển khai các giải pháp đồng bộ và quyết liệt.