Một chủ trương nhân văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa được đồng tình ủng hộ
Mới đây, dưới sự chủ trì của đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đã làm việc với Ban chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) về tiến độ thực hiện Cuộc vận động và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có các thành viên Ban Chỉ đạo Tổ giúp việc Ban Chỉ Đạo (BCĐ). Theo báo cáo của BCĐ, sau gần 5 tháng triển khai Cuộc vận động, đến ngày 10/9/2024, tổng kinh phí tiếp nhận về Ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) là hơn 159 tỷ đồng, trong đó Ủy ban MTTQ huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận ủng hộ về Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ cấp huyện quản lý, với số tiền trên 65 tỷ đồng, Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận, ủng hộ với tổng số tiền trên 70 triệu đồng...
Điểm sáng trong đợt vận động này, có một số cơ quan, đơn vị vượt lên đạt kết quả cao như: Công an tỉnh (1,02 tỷ đồng); Bộ đội Biên phòng tỉnh (628 triệu đồng); Cục Thuế Thanh Hóa (393 triệu đồng); Đại hộc Hồng Đức (340 triệu đồng); Sở Lao động - Thương binh và xã hội (320 triệu đồng); Văn phòng Tỉnh ủy (162 triệu đồng)...
Không chỉ riêng các cơ quan đơn vị trên, còn có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ đạt kết quả cao như: Công ty Xăng dầu Thanh Hóa (5 tỷ đồng); Tổng Công ty Cổ phần Miền Trung (200 triệu đồng); Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơ (160 triệu đồng)... Một số cơ quan, doanh nghiệp ngoài tỉnh ủng hộ với kết quả cao như: Công ty Huy Hoàng Gia - thành viên CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh (500 triệu đồng); Gia đình ông Phan Văn Bảy (xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, thành viên CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại TP. Hồ Chí Minh (500 triệu đồng)...
Báo cáo của BCĐ nêu rõ: Bước đầu, từ nguồn kinh phí tiếp nhận, BCĐ đã ưu tiên hỗ trợ cho 315 hộ gia đình diện tái định cư xen ghép theo Đề án 4845 về sắp xếp, ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của UBND tỉnh tại 8 huyện gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành... với mức phân bổ kinh phí hỗ trợ thêm từ 10-40 triệu đồng, tùy theo từng hộ cụ thể để phân bổ hỗ trợ, đảm bảo mỗi hộ được nhận hỗ trợ 80 triệu đồng để xây dựng mới nhà ở. Tổng số kinh phí từ BCĐ hỗ trợ là trên 11 tỷ đồng.
Theo đó, BCĐ ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 537 hộ đã được phê duyệt danh sách hỗ trợ kinh phí nhưng chưa xây nhà ở theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trước mắt ưu tiên hỗ trợ cho 5 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh, với tổng số hộ; mỗi hộ hỗ trợ thêm 40 triệu đồng...
Từ nguồn lực huy động trên, đến ngày 6/9/2024 đã có 16 huyện, thị xã, thành phố khởi công xây dựng nhà mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Tổng số 422 nhà, trong đó xây dựng mới 372 nhà và sửa chữa 50 nhà...
Tại buổi làm việc, các thành viên BCĐ đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời cho ý kiến vào Hướng dẫn công tác quản lý, sử dụng, giải ngân và thanh quyết toán hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn trong tỉnh 2 năm 2024-2025.
Kết luận chung buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên cho biết: Qua 5 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, có thể nói đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng rất tích cực; với tinh thần nhân văn, nhân ái, lá lành, đùm lá rách, sẻ chia và yêu thương.
Sau giai đoạn I, Ủy ban MTTQ 3 cấp đã tiếp nhận được kinh phí hỗ trợ hơn 159 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thể hiện sự đồng tình rất cao của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đối với một chủ trương rất nhân văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Từ nguồn kinh phí tiếp nhận, đến thời điểm này đã có 16 huyện đã khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ thuộc đối tượng được hỗ trợ, với 422 nhà ở.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ trân trọng cảm ơn những tình cảm, tấm lòng của tập thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh, ngoài tỉnh tham gia ủng hộ theo tinh thần Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Để việc phân bổ, giải ngân nguồn lực huy động đảm bảo,công khai, minh bạch, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu và giao Sở Tài chính trước ngày 20/9/2024 phải ban hành văn bản hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý và phân bổ , thanh quyết toán hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025; Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các địa phương, Ban Dân vận Tỉnh ủy tháo gỡ kịp thời khó khăn về đất đai để các hộ xây nhà theo đúng kế hoạch đề ra.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị BCĐ cần phải nghiên cứu để số kinh phí đã được tiếp nhận đưa vào sử dụng sớm, đúng đối tượng, đúng mục đích và thật sự hiệu quả từ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đề nghị từ các nguồn lực tiếp nhận hỗ trợ quyên góp theo Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ở cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh là thống nhất, với nguyên tắc sử dụng hết ở xã, mới dùng đến huyện, sử dụng hết huyện mới dùng đến tỉnh.
Trước mắt, tập trung hỗ trợ cho ba đối tượng thuộc Đề án của UBND tỉnh về sắp xếp ổn định dân cư với 315 hộ; các hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 537 hộ và các hộ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Trên tinh thần thống nhất các nguồn lực, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc, Sở Tài chính xây dựng danh sách, hướng dẫn cụ thể, xác định rõ mục tiêu triển khai làm bao nhiêu nhà ở trong từng năm để phân bổ nguồn lực hợp lý; đến ngày 20/9 UBND tỉnh phải có danh sách cụ thể báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.
Để việc thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi vào cuộc sống, có sự lan tỏa lớn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực đề nghị tiếp tục kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ; đầu năm 2025 cần tiếp tục triển khai Cuộc vận động cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân đóng góp hỗ trợ đợt thứ hai trong toàn tỉnh đạt kết quả cao nhất.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.