Một con chip cần 2 năm mới xong, Việt Nam làm trong 6 tháng: Động lực nào cho sự máu lửa?
"Đó chính là sức mạnh của Nghị quyết 57 đã làm cho mọi người rất máu lửa", ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết.
Chip ADC đầu tiên do người Việt phát triển
Thông tin tại Lễ Sơ kết 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW mới diễn ra, CT Group cho biết, doanh nghiệp đã hoàn thiện hàng loạt sản phẩm trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo.
Nổi bật là chip ADC đầu tiên do chính đội ngũ nhân sự doanh nghiệp với 100% là người Việt tự phát triển chỉ trong 6 tháng. CT group gọi đây là "kỷ lục", "mở đường cho ứng dụng trong quốc phòng, AI, UAV và thiết bị thông minh", "bước đi chiến lược trong hành trình tự chủ công nghệ lõi".
Theo đó, tập đoàn đang triển khai hệ thống trung tâm thiết kế chip (chip design house) tập trung vào nghiên cứu và phát triển chip AI, IoT và các dòng chip ứng dụng trong các lĩnh vực mũi nhọn như UAV, quốc phòng, 5G/6G, cảm biến...
"Lần đầu tiên ra mắt bản thiết kế chip ADC, là một con chip rất là quan trọng đối với Việt Nam trong tinh thần của Nghị quyết 57. Thường thì con chip này phải mất 2 năm mới làm xong, nhưng chúng tôi đã bám trụ, rút xuống chỉ còn 6 tháng để kịp tinh thần Nghị quyết 57. Đó chính là sức mạnh của Nghị quyết 57 đã làm cho mọi người rất máu lửa.", ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết.

Đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM (bên phải) và ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập Đoàn CT Group tại Lễ ra mắt bản thiết kế chip IoT của người Việt.
Theo CT Group, Chip ADC (Analog-to-Digital Converter) là loại chip điện tử có chức năng chuyển đổi tín hiệu tương tự (analog) thành tín hiệu số (digital), với tên gọi CTDA200M, độ phân giải 12 bit, cho tốc độ lấy mẫu lên tới 200 MSPS.
Đây được xem là bản thiết kế chip 12 bit tốc độ mẫu 200 MSPS đầu tiên của Việt Nam, được thiết kế bởi đội ngũ Diginal (một thành viên của CT Group). Chip này được quang khắc tại nước ngoài.
Sau đó, sản phẩm được đóng gói và hoàn thiện tại nhà máy sản xuất chip bán dẫn ATP của CT Semiconductor (thành viên Tập đoàn CT Group) vào tháng 11/2025 và thương mại hoá vào tháng 12/2025.
Cũng theo báo cáo tại lễ sơ kết, doanh nghiệp cho biết hiện đã phát triển UAV lưỡng dụng, tích hợp công nghệ LiDAR, BIM để giám sát công trình, quản lý đất đai và kiểm tra an toàn xây dựng.
Các công nghệ số do CT Group phát triển còn hỗ trợ chính quyền địa phương trong bối cảnh sáp nhập, tinh gọn bộ máy và chủ trương bỏ giấy phép xây dựng, khi việc giám sát phải dựa trên mô hình số hóa toàn diện, dữ liệu thực địa và hệ thống kiểm tra tự động. Nhờ nền tảng Digital Twin, cùng UAV, AI và BIM giúp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn đáp ứng chủ trương hiện đại hóa công tác giám sát, minh bạch hóa và kiểm soát chất lượng xây dựng.
Ngoài chip ADC và UAV, CT Group cho biết đã phát triển các giải pháp phần mềm quản lý thông minh, hệ thống giám sát tự động ứng dụng AI, thiết bị IoT, nền tảng đô thị thông minh và module cảm biến thế hệ mới, có tiềm năng xuất khẩu, khẳng định thương hiệu công nghệ Việt trên trường quốc tế.
Song song đó, Tập đoàn đưa 6 nhóm ngành công nghệ chiến lược vào danh mục sản phẩm quốc gia: bán dẫn, viễn thông 6G, UAV, liệu pháp Gen và tế bào, kinh tế không gian cận biên và chuyển đổi số. Dự án Digital Twin 15 cung cấp trục dữ liệu lớn nhất cho Trung tâm Dữ liệu quốc gia, hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực quản trị và giám sát.
CT Innovation Hub 4.0 được phát triển như hệ sinh thái đổi mới toàn diện, kết nối ý tưởng, nghiên cứu và thương mại hóa. Chỉ sau 2 tháng, trung tâm đã đón hơn 100 đoàn tham quan, lan tỏa tinh thần sáng tạo, đóng vai trò cầu nối chiến lược giữa giới nghiên cứu và doanh nghiệp.
9 ngành công nghệ lõi 4.0: Bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo; UAV; Tiền số xanh; Sàn tín chỉ carbon; Nhà xếp không phát thải; Ô tô điện – Tàu điện; Máy tính lượng tử; Năng lượng mới và Gen & Tế bào sẽ đi theo chiến lược tự chủ.
Hình mẫu doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo
Hồi tháng 5, doanh nghiệp đã giới thiệu mẫu máy bay không người lái chở người do công ty thành viên CT UAV phát triển. Với vận tốc 190 km/h, khả năng bay liên tục 2 giờ và cự ly hoạt động 350 km, phương tiện này hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho giao thông đô thị thông minh và thân thiện môi trường. Dự kiến, phiên bản kích thước thật sẽ ra mắt vào tháng 10/2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ cao vào đời sống.

Tổng bí thư Tô Lâm đến thăm gian hàng của CT Group tại sự kiện hồi tháng 5 tại Hà Nội.
CT Semiconductor, một thành viên khác của CT Group, đã giới thiệu nhà máy sản xuất chip bán dẫn ATP đầu tiên do người Việt làm chủ công nghệ. Khởi công giai đoạn 2 vào ngày 30/4 tại Bình Dương, nhà máy dự kiến vận hành vào quý 4/2025 với mục tiêu sản xuất 100 triệu chip mỗi năm vào 2027. Đặc biệt, việc dành hơn 10% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển cho thấy chiến lược dài hạn nhằm làm chủ các công nghệ lõi như AI, 6G và UAV.
Nhà máy được xây dựng trên khuôn viên 30.000 m² tại Trung tâm phát triển công nghệ cao CT Group – Thuận An, Bình Dương, với tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2 gần 100 triệu USD. Dự án có sự tham gia của các chuyên gia trên 30 năm kinh nghiệm trong ngành bán dẫn và sự tư vấn xây dựng của một tập đoàn đã xây phần lớn các nhà máy của TSMC.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kết nối đối tác từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và nhiều quốc gia tiên tiến, thực hiện chuyển giao công nghệ phù hợp điều kiện Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng làm chủ công nghệ.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với vô vàn bất ổn và có xu hướng suy giảm, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 đã đạt được những kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 7,52%; tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước...