Một doanh nghiệp tư nhân tài trợ hàng trăm triệu USD cho chương trình thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Nanocovax
Khoản tài trợ này nhằm thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin nội giai đoạn cuối để phê duyệt sử dụng cho toàn dân.
Vừa qua, Hội đồng Đạo đức Y tế đã họp và thông qua quyết định triển khai giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng Nanocovax, dự kiến cần 13.000 tình nguyện viên. Giai đoạn ba sẽ tiến hành ở nhiều trung tâm trong nước, dự kiến có Học viện Quân y và Hưng Yên ở miền bắc, Viện Pasteur TP HCM và Long An ở miền nam. 800 tình nguyện viên đã đăng ký sẽ được tiêm trước, sau đó tiếp tục tuyển tình nguyện viên.
Nhóm nghiên cứu dự kiến khởi động thử nghiệm từ tuần sau. Nếu thuận lợi, thử nghiệm giai đoạn ba có thể hoàn tất vào cuối tháng 9. Lúc này, Việt Nam có thể tự sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên.
Theo thông tin từ VTV, dự án này vừa nhận được tài trợ lên tới hàng trăm triệu USD từ một tập đoàn tư nhân trong nước. Khoản tài trợ này nhằm thúc đẩy quá trình thử nghiệm vắc xin nội giai đoạn cuối để phê duyệt sử dụng cho toàn dân.
Theo đó, hệ thống sản xuất, vật tư, thiết bị đang được khẩn trương đầu tư nhằm đáp ứng số lượng vắc xin cần thiết, bên cạnh lượng vắc xin nhập khẩu. Mục đích lớn nhất của chương trình tài trợ vắc xin nội này là hoàn thành chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống covid cho người dân Việt Nam ngay trong năm nay, góp phần giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn cho đầu tư, du lịch và giao thương.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã tài trợ 4 triệu liều vắc xin, Tập đoàn T&T tài trợ 1 triệu liều. 4 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng vào quỹ vắc xin, ngân hàng HDBank cùng tập đoàn Sovico ủng hộ 60 tỷ đồng, ngân hàng SHB ủng hộ 15 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát ủng hộ 50 tỷ đồng, Tập đoàn Ecopark ủng hộ 1 triệu USD, Tập đoàn DOJI và TPBank ủng hộ 20 tỷ đồng...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, để đảm bảo 150 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục nỗ lực tối đa tìm kiếm, tiếp cận tiếp cận để có đủ vắc xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán để sớm tiếp cận được các nguồn vắc xin. Cho đến nay đã có khoảng 110 triệu liều vắc xin cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí. Có đủ nguồn vắc xin tiêm chủng cho người dân là điều rất quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và phát triển kinh tế của đất nước.
Hà MyCác nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài với tổng số thuế khai nộp ngân sách Nhà nước qua cổng đạt hơn 20.000 tỷ đồng.