Một số mã BĐS vẫn bật tăng mặc chứng khoán giảm mạnh nhất trong 3 tháng
Một số cổ phiếu bất động sản như TNT, FLC, PDR, TIG, KBC... vẫn giao dịch tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán "lao dốc" mạnh.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/10, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động. Thị trường khởi đầu với sự hồi phục đáng kể ở nhiều cổ phiếu trụ cột và điều này giúp các chỉ số có được sắc xanh nhưng do áp lực bán vẫn lớn nên đẩy thị trường vào sắc đỏ.
Tâm điểm diễn ra vào giữa phiên chiều khi lực bán giá thấp ồ ạt xuất hiện, điều này khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc, trong đó rất nhiều mã có mức giảm trên 3%. BVH giảm 6,6% xuống 49.500 đồng/cp, HDB giảm 6,3% xuống 23.000 đồng/cp, GVR giảm 5% xuống 13.400 đồng/cp, PNJ giảm 4,9% xuống 66.000 đồng/cp, MWG giảm 4,5% xuống 105.000 đồng/cp. Thậm chí cả 3 cổ phiếu nhóm Vingroup là VIC, VHM và VRE đều giảm sâu.
Còn hai chỉ số chính là VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa với mức thấp nhất phiên, trong đó, VN-Index có mức giảm mạnh nhất kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2.
Đến cuối ngày, chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 25,42 điểm (-2,69%) xuống 921,05 điểm. Tổng cộng toàn sàn có 66 mã tăng, 365 mã giảm và 46 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,09 điểm (-2,25%) xuống 134,04 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng, 106 mã giảm và 46 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,67 điểm (-1,06%) xuống 62,73 điểm.
Trong khi đó, sắc đó áp đảo hoàn toàn tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ. Ngay OGC và BII đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, CCL giảm đến 6,9% xuống 7.320 đồng/cp, ASM giảm 6,1% xuống 27.000 đồng/cp, VCR giảm 5,4% xuống 17.600 đồng/cp, ITA giảm 5,3% xuống 4.450 đồng/cp, SCR giảm 4,9% xuống 5.800 đồng/cp, HAR giảm 4,3% xuống 4.020 đồng/cp.
Trong bối cảnh thị trường "tụt dốc không phanh", có khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao biến động tích cực, như TNT tiếp tục được kéo lên mức giá trần và dư mua giá trần đến hơn 460 triệu đơn vị. FLC tăng 6,7% lên 4.300 đồng/cp. Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã bán toàn bộ 1,24 triệu cổ phiếu GAB, tương ứng 8,99% vốn điều lệ nắm giữ tại đơn vị này. Một số cổ phiếu bất động sản đáng chú ý khác cũng tăng tốt có PDR, TIG, KBC, NLG hay HPX.
Trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường, có đến 3 cổ phiếu bất động sản là FLC, ITA và VRE, với FLC khớp lệnh 16,7 triệu cổ phiếu, ITA và VRE khớp lệnh lần lượt 12,4 triệu cổ phiếu và 10,4 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại vẫn giao dịch tiêu cực khi bán ròng đến 474 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, MSN vẫn là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến hơn 303 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như VRE, VIC và NVL đều bị bán ròng mạnh. Ngược lại, VHM và DXG là 2 mã nằm trong top mua ròng của khối ngoại với giá trị lần lượt 19 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Áp lực bán ra trong phiên hôm 28/10 là thực sự mạnh, điển hình là VN-Index giảm phiên thứ ba liên tiếp với mức giảm mạnh và thanh khoản gia tăng vượt mức trung bình 20 phiên.
Trong phiên hôm qua 28/10, VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 930 - 935 điểm (MA20), qua đó mở ra dư địa giảm tiếp theo với ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 910 điểm (MA10). Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị khoảng 480 tỷ đồng trên hai sàn là một diễn biến tiêu cực cần lưu ý.
Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 vẫn duy trì mức basis dương 7,02 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh kỳ vọng thị trường cơ sở sẽ sớm hồi phục trở lại.
SHS dự báo, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ quanh 910 điểm (MA50) trước khi cho phản ứng hồi phục từ đây. Những nhà đầu tư đã bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục trong vùng 930 - 935 điểm (MA20) trong phiên 28/10 nên tiếp tục quan sát thị trường, có thể giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu thị trường có nhịp giảm về quanh ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 910 điểm (MA50).
Theo các chuyên gia, thị trường hiện đang ở vùng rủi ro và biến động mạnh, nhà đầu tư không nên bắt đáy, hạ đòn bẩy, đưa margin về mức thấp.
Hoài ThươngTại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch xây dựng 3 khu công nghiệp tại Thường Tín và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 635 ha.