Một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm

Ngân hàng
11:22 AM 11/04/2024

Trong bối cảnh tiền gửi dân cư có dấu hiệu chững lại, một số ngân hàng gần đây tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 - 0,3% ở các kỳ hạn.

Thống kê từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động là VIB, NCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, Eximbank và MSB.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố biểu lãi suất mới với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 2,6%/năm. Đây cũng là kỳ hạn duy nhất được VIB điều chỉnh lần này.

Lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến tại các kỳ hạn còn lại được VIB giữ nguyên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 2 tháng 2,6%/năm, 3-5 tháng 2,8%/năm, 6-11 tháng 4%/năm, 15-18 tháng 4,8%/năm, và 24-36 tháng 5%/năm.

Một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm- Ảnh 1.

Người dân giảm gửi tiền, ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Ảnh: Internet

Trước đó, có 6 ngân hàng cũng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 4.

Ngày 10/4, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2% ở kỳ hạn 4 và 5 tháng, lên 3,6 - 3,7%/năm; trong khi kỳ hạn 1 tháng giảm 1,1%, xuống còn 3,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại có lãi suất từ 3,4 - 5,5%/năm.

Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,3% ở các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng. Lãi suất huy động từ 12 - 18 tháng lên 4,8 - 4,9%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 24 - 36 tháng tăng lên 5,2 - 5,3%/năm. Các kỳ hạn dưới 12 tháng có lãi huy động từ 2,4 - 4,4%/năm. Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 trong tháng của VPBank, nâng mức tăng lên 0,5%. 

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) tăng thêm 0,2 điểm % lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 36 tháng. Kỳ hạn 6 tháng, nhà băng này huy động 4,4%/năm, 8 tháng lên 4,8%/năm, 12 tháng 5,1%/năm, 15 tháng 5,2%/năm, từ 18 - 36 tháng lên 5,5%/năm…

Từ ngày 9/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, tại hình thức gửi tiền trực tuyến - sản phẩm có lãi suất cao nhất, Eximbank đã điều chỉnh tăng lãi suất cho kỳ hạn 6 - 9 tháng lên thêm 0,2 điểm %, đạt mức 4,1%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho kỳ hạn 1 - 3 tháng lại giảm 0,1 điểm %, xuống lần lượt là 3% cho kỳ hạn 1 tháng, 3,2% cho kỳ hạn 2 tháng và 3,3% cho kỳ hạn 3 tháng.

Tuần trước, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 -11 tháng thêm 0,2 điểm %, lên mức 4,1%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng cũng được MSB tăng thêm 0,2 điểm % lên 4,5%/năm.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiết kiệm từ ngày 4/4. Theo đó, ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,2 điểm % lãi suất tiết kiệm đối với các kỳ hạn từ 12-18 tháng và giữ nguyên lãi suất tại các kỳ hạn khác.

Như vậy, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, đã có 7 ngân hàng tăng lãi suất huy động là VIB, NCB, VPBank, Kienlongbank, HDBank, Eximbank và MSB. Trong khi có 10 ngân hàng giảm lãi suất huy động bao gồm Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank, Dong A Bank, Viet A Bank, Nam A Bank, Eximbank và NCB (riêng Eximbank và NCB tăng ở một số kỳ hạn và giảm ở các kỳ hạn khác).

Lãnh đạo giới ngân hàng cho rằng mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm nay, sau đó có thể đảo chiều tăng nhẹ khi nhu cầu tín dụng đi lên. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất tiết kiệm khó quay lại mức cao như giai đoạn 2022.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà Không thương mại hóa điện mặt trời mái nhà

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Cần thiết phải ban hành cơ chế, chính sách để phát triển điện mặt trời áp mái theo hình thức tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự cung tự cấp, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.