Một số nước xếp biến thể COVID-19 phát hiện ở Ấn Độ vào diện "đáng lo ngại"

Sức khỏe
03:17 PM 10/05/2021

Cơ quan y tế một số nước đã xếp B.1.617 - biến biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ vào diện "đáng lo ngại" do biến thể này nguy hiểm hơn phiên bản gốc của virus, bởi khả năng lây truyền cao hơn, dễ gây chết người hơn và có thể vượt qua khả năng bảo vệ của vaccine.

Thuộc biến thể B.1.617, cả 2 đột biến B.1.617.1 và B.1.617.2 lần đầu tiên được báo cáo ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, và sau đó được phát hiện với tỷ lệ ngày càng tăng trong làn sóng thứ 2 đang bùng phát tại quốc gia Nam Á. B.1.617.3 được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, nhưng đến nay ít trường hợp được ghi nhận có liên quan đến đột biến này.

Một số nước xếp biến thể COVID-19 phát hiện ở Ấn Độ vào diện "đáng lo ngại" - Ảnh 1.

Hiệp hội Di truyền SARS-CoV-2 của Ấn Độ (INSACOG) - một diễn đàn đặc biệt gồm các cố vấn khoa học, được Chính phủ New Dehil thành lập vào cuối tháng 12/2020 cho rằng, các loại đột biến có trong biến thể B.1.617, gồm E484Q và L452R, thuộc dạng “lo ngại cao” (high concern). Bởi “đã có dữ liệu cho thấy E484Q có khả năng thoát khỏi các kháng thể trung hòa cao, và L452R là nguyên nhân làm tăng khả năng lây truyền và mất khả năng miễn dịch”.

Cơ quan y tế quốc gia như Mỹ và Anh mặc dù không đặt biến thể B.1.617 ở mức độ “lo ngại cao” như Ấn Độ khuyến cáo nhưng cũng xếp B.1.617 là một “biến thể đáng lo ngại” (variant of concern).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP của Pháp, Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần đây, WHO đưa B.1.617 vào danh sách “biến thể cần quan tâm” mà không đưa vào diện "biến thể đáng lo ngại" như đã làm trước đó đối với các biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Brazil và Nam Phi. Nhưng bà Swaminathan mong WHO sẽ sớm thay đổi và nâng cao mức độ nguy hiểm của B.1.617.

“Biến thể kép B.1.617, sẽ là biến thể đáng lo ngại vì nó có một số đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm và cũng có thể giúp biến thể chống lại kháng thể được tạo ra bởi vaccine hoặc qua lây nhiễm tự nhiên”, bà giải thích.

Song, nhà khoa học hàng đầu của WHO lưu ý rằng, biến thể này không phải là yếu tố duy nhất dẫn tới số ca mắc và tử vong tăng vọt tại Ấn Độ. Bà đưa ra một số nhân tố khác như lơ là biện pháp phòng, chống dịch, tụ tập đông người...

Mặc dù Ấn Độ đang đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vaccine COVID-19, bà Swaminathan khẳng định chỉ riêng vaccine thôi là chưa đủ để kiểm soát tình hình. 

"Các biến thể mang nhiều đột biến sau cùng có thể kháng các loại vắc-xin hiện hành. Đó sẽ là một vấn đề cho cả thế giới", bà cảnh báo.

Một số nước xếp biến thể COVID-19 phát hiện ở Ấn Độ vào diện "đáng lo ngại" - Ảnh 2.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Biến thể này đang lây lan rộng ra nhiều nước, số ca mắc và tử vong tăng nhanh. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 9/5 thông báo nước này có thêm 4.092 ca tử vong, lên tổng cộng 242.362 ca kể từ khi đại dịch khởi phát. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp quốc gia này ghi nhận hơn 4.000 ca tử vong mới sau 24 giờ. Số ca nhiễm cũng đã tăng thêm 403.738, lên tổng cộng 22,3 triệu ca.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo 520 ca nhiễm và 6 ca tử vong mới, lên tổng cộng 19.237 và 121 ca. Những con số này tại Thái Lan tăng lên lần lượt là 83.375 và 399 ca, sau khi quốc gia này công bố thêm 2.101 ca nhiễm và 17 ca tử vong vào ngày 9/5.

Trong khi đó, giới chức y tế Lào ngày 9/5 thông báo trường hợp tử vong vì COVID-19 đầu tiên tại quốc gia này.

Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết, tổng hợp kết quả các xét nghiệm từ tuần trước, giới chức y tế nước này nhận thấy số các ca nhiễm biến thể B.1.617.2 đã tăng từ 202 ca lên 502. Các ca nhiễm này chủ yếu tập trung tại thủ đô London và thị trấn Bolton, Tây Bắc nước này.

Tại Việt Nam, ngày 9/5, Bộ Y tế Viện Vệ sinh dịch tễ thông tin về kết quả giải trình tự gene của người mắc COVID-19 tại 3 tỉnh: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình đều mang biến thể B1.167.2 - biến thể của Ấn Độ. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 11 ca mắc COVID-19 mang biến thể B1.167.2.

Bởi vậy, theo Tiến sĩ Swaminathan: “Chúng ta vẫn cần phụ thuộc vào các biện pháp đảm bảo an toàn xã hội để giảm lây nhiễm”.

Nhung T (tổng hợp)
Ý kiến của bạn