Một số thay đổi trong chính sách thuế tại Việt Nam hậu COVID-19
Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đại diện Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam với chủ đề "Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu COVID-19".
Tham dự Diễn đàn, có PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS); PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS); TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia Kinh tế cao cấp;…
Diễn đàn còn có sự tham gia của đại diện Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến các chủ đề khác nhau trong lĩnh vực tài khóa của Việt Nam, từ chính sách kinh tế vĩ mô cho tới những vấn đề vi mô như thuế và doanh nghiệp, hộ gia đình và công bằng thuế...
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đã đưa ra những nhận định về chính sách thuế tại Việt Nam hậu COVID-19. Qua đó khẳng định, những năm gần đây, ngân sách của Việt Nam đã dựa rất nhiều vào các loại thuế tiêu dùng; trong đó, có thuế VAT. Năm 2020, tỷ trọng của số thu thuế tiêu dùng trên tổng số thu thuế tại Việt Nam vào khoảng 60% (tương đương với Thái Lan và chỉ thấp hơn so với mức trung bình của các nước thu nhập trung bình cao).
Năm 2010, tỷ trọng của VAT trong tổng số thu thuế là 33,3%, đến năm 2019, con số này đã tăng lên hơn 1,2 lần và ở mức trên 40,7%. Giai đoạn 2014-2019, tỷ trọng của VAT trong tổng thu thuế tại Việt Nam đã bỏ xa con số trung bình của các nước phát triển, nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao.
Năm 2020, tỷ trọng của VAT trong tổng thu thuế tại Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và các chính sách ưu đãi liên quan đến thuế VAT. Từ năm 2020 tới nay, ý tưởng tăng thuế VAT không còn cơ sở, mà chuyển sang chính sách giảm thuế VAT để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2021, Quốc hội Việt Nam cùng với Chính phủ đã ban hành một số chính sách liên quan đến thuế VAT. Theo đó, Nghị quyết 406/NQUBTVQH15 quy định giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng; Nghị quyết số 43/2022/QH15 giảm 2 điểm phần trăm thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%)...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đã gặp nhiều rắc rối liên quan đến việc tách, lập hóa đơn cũng như rà soát danh mục hàng hóa, dịch vụ được hưởng ưu đãi. Ngày 20/6, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một loạt các Nghị định khác, trong đó có Nghị định 15/NĐ-CP, để gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, với việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng…
Năm 2021, một thỏa thuận toàn cầu nhằm bảo đảm các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu là 15% áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu EURO trở lên đã được 137 quốc gia (chiếm 90% nền kinh tế toàn cầu) nhất trí và dự kiến áp dụng vào năm 2023. Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn đối với các nền kinh tế nhỏ, vốn thường thu hút các công ty quốc tế thông qua mức thuế thấp hơn.
Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2030 (ban hành năm 2022), Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược này để có thể giúp cho việc cải thiện nguồn thu của Chính phủ.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay: Trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế Việt Nam đến năm 2030 (ban hành năm 2022), Chính phủ sẽ tiến hành rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế. Do đó, cần đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược này để có thể giúp cho việc cải thiện nguồn thu của Chính phủ.
PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất của chính sách tài khóa vẫn phải là đảm bảo tính bền vững của nợ công với các biện pháp đi kèm như ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế, kiểm soát nghĩa vụ nợ/thu ngân sách, cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển, thu ngân sách cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí, lệ phí mới. Thêm vào đó, chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.
Nguyễn HạnhTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.