Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận
Ngày 12/01/2024, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận”.
Mua bán hàng hóa qua sàn là một hình thức kinh doanh mang lại nhiều lợi thế: Giao dịch nhanh chóng bằng điện tử nên chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể buôn bán với toàn thế giới; giảm thiểu rủi ro cho cả người bán lẫn người mua do có vai trò trung gian của các sở giao dịch; yên tâm sản xuất, kinh doanh mà không lo sự biến động giá cả của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể tham gia kinh doanh, đầu tư hàng hóa phái sinh.
Tại Việt Nam, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) được Bộ Công thương thành lập 2010. Với Nghị định số 51/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sàn giao dịch hàng hóa của Thủ tướng Chính phủ, hành lang pháp lý cho các hoạt động mua bán theo hình thức này đã thực sự thông thoáng như các sàn giao dịch quốc tế.
Do vậy, hoạt động giao dịch thông qua Sở giao dịch hàng hóa trong những năm gần đây đã có nhiều biến chuyển. Hiện nay, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam đã có 26 mặt hàng thuộc năm nhóm hàng hóa được giao dịch và kết nối 8 Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới.
Tính đến hết tháng 08/2023 đã có hơn 30 ngàn tài khoản đăng ký và thực hiện giao dịch. Thống kê của 8 tháng đầu năm 2023, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt 4.000 tỷ đồng, phiên cao điểm đạt 9.500 tỷ đồng.
Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập - Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hội thảo “Mua bán qua sở giao dịch hàng hóa - Giải pháp kinh doanh bền vững, nhân bội lợi nhuận” với mong muốn cung cấp thêm thông tin để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân thấy rõ những lợi ích và tham gia mua bán trên sàn giao dịch hàng hóa. Đây là hình thức rất phù hợp với xu hướng mở rộng giao thương quốc tế, giao dịch điện tử của Đảng và Nhà nước.
Hội thảo có sự tham gia tham luận của các chuyên gia: TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh; TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng; ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO; ông Hồ Quang Minh - Chủ tịch BNI Việt Nam; ông Lương Tuấn Vũ - CEO Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi - Thành viên của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam; ông Lê Đức Thiện - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần Pro - Invest.
Ban tổ chức đã mời gần 1000 doanh nghiệp đang kinh doanh các sản phẩm nông sản như: cà phê, ca cao, cao su, đường, tiêu, điều, nông sản… tham dự. Trong đó khoảng 400 doanh nghiệp tham gia trực tiếp tại hội trường, 600 doanh nghiệp tham gia trực tuyến trên nền tảng Zoom và hàng ngàn đại diện doanh nghiệp theo dõi qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube.
Hạ DuyênKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.