Mua, bán vàng từ 20 triệu đồng phải chuyển khoản

Chính sách
03:05 PM 14/07/2025

Bộ Tư pháp vừa công bố Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng.

Theo dự thảo này, NHNN quy định mỗi khách hàng mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên phải thực hiện chuyển khoản (từ tài khoản của người mua tới tài khoản của doanh nghiệp).

Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc bổ sung quy định này nhằm đảm bảo yêu cầu về xác thực thông tin khách hàng nhưng không tạo thêm nghĩa vụ của khách hàng do việc xác thực đã được thực hiện khi khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Quy định này cũng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch mua, bán vàng.

Giá vàng miếng SJC hiện nay là 12,15 triệu đồng/chỉ (bán ra). Như vậy, chỉ cần mua gần 2 chỉ là giao dịch sẽ phải chuyển khoản.

Mua, bán vàng từ 20 triệu đồng phải chuyển khoản- Ảnh 1.

Đề xuất mua, bán vàng từ 20 triệu đồng bắt buộc phải chuyển khoản. Ảnh minh họa

Góp ý về vấn đề này, Bộ Công an cho rằng cần quy định rõ giá trị 20 triệu đồng của từng lần giao dịch hay tổng giá trị giao dịch từng ngày để tránh tình trạng “lách luật” qua việc chia nhỏ các giao dịch (dưới 20 triệu đồng).

Trên cơ sở góp ý của Bộ Công an, NHNN đã hoàn thiện lại quy định này cho chặt chẽ theo hướng quy định mức 20 triệu đồng này là giao dịch trong ngày.

Cụ thể, dự thảo quy định: Việc thanh toán mua, bán vàng có giá trị từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên của một khách hàng phải được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ khi bán vàng nguyên liệu mua từ doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.

Theo đó, doanh nghiệp phải lập và sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật; lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu giao dịch bán vàng nguyên liệu; kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Việc bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ để đảm bảo minh bạch, có kiểm soát trong các giao dịch bán vàng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, tương tự như Dự thảo từng công bố, NHNN cũng dự kiến xóa bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Cụ thể, NHNN sẽ cấp phép sản xuất vàng miếng; giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho các tổ chức đủ điều kiện.

Trong đó, doanh nghiệp muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải đáp ứng các điều kiện sau: Có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả; có quy trình nội bộ quy định về sản xuất vàng miếng.

Đối với ngân hàng thương mại, NHNN xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; có vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng trở lên; không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp Hà Nội: Khai thác tiềm năng vùng ven đô qua mô hình du lịch nông nghiệp

Trong chiến lược phát triển du lịch gắn với tăng trưởng xanh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, Hà Nội đang từng bước khai thác tiềm năng vùng ven đô thông qua mô hình du lịch nông nghiệp. Hướng đi này vừa kết nối không gian làng quê với nhịp sống đô thị, vừa góp phần phát huy giá trị nông nghiệp, bảo tồn bản sắc và mở rộng sinh kế bền vững cho người dân.