Mua cổ phiếu nào đón sóng hồi phục vĩ mô trong quý 4 và năm 2022?
Xét về cơ hội cho thị trường chứng khoán, Agriseco Research đánh giá bức tranh quý 3 ảm đạm dù là thông tin đáng thất vọng, tuy nhiên các chỉ số và giá cổ phiếu phần nào đã phản ánh kết quả này thông qua những phiên giảm điểm mạnh trước khi dần hồi phục trong các phiên gần đây.
Nhiều điểm nhấn đáng chú ý của nền kinh tế Việt Nam đã được hé lộ sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu vĩ mô quý 3/2021, đặc biệt là việc tăng trưởng GDP quý 3 giảm mạnh nhất với mức âm 6,17%. Nguyên nhân là do sự bùng phát nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động kinh tế.
Tính chung GDP 9 tháng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,42% so với mức 2,12% của 9 tháng đầu năm 2020 đây là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Agriseco Research vẫn giữ kỳ vọng GDP quý 4 sẽ khởi sắc do tình hình dịch bệnh đang được khống chế.
Theo đó, Agriseco Research đánh giá GDP quý 4 năm nay sẽ tăng trưởng trở lại nhưng với tốc độ tăng chậm so với cùng kỳ năm 2020 do mặt bằng năm trước tương đối cao. Báo cáo ước tính GDP năm 2021 sẽ tăng khoảng 2-3%, mặc dù mức tăng trưởng thấp tuy nhiên vẫn rất khả quan khi so sánh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương tự.
Điểm tích cực của nền kinh tế là việc lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. CPI quý 3 chỉ tăng 2,51% và 9 tháng lần lượt tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Agriseco Research cho rằng lạm phát các tháng cuối năm có thể gặp áp lực tăng từ các yếu tố như áp lực tăng giá xăng dầu, giá thực phẩm cùng với cầu tiêu dùng dần hồi phục trong khi chuỗi cung ứng hồi phục chậm. Tuy nhiên, lạm phát năm 2021 vẫn trong mức kiểm soát dưới 3% và có thể tăng lên trong năm 2022 do độ trễ từ các chính sách tài khóa, tiền tệ. Agriseco Research đánh giá đây vẫn là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tổng mức bán lẻ có dấu hiệu phục hồi trong tháng 9 khi tăng khoảng 10% so với tháng 8. Điều này có thể tiếp tục hồi phục nhanh nhờ việc mở cửa trở lại nhiều khu vực kinh tế có thể tạo ra sức cầu bật tăng mạnh trong nhóm các mặt hàng không thiết yếu như hoạt động thương mại, trang sức, đồ điện tử, may mặc, mỹ phẩm. Mặt khác, kỳ vọng FDI sẽ hồi phục trong quý 4 cả về đăng ký và giải ngân nhờ vào lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về vị trí địa lý, chi phí nhân công, giá thuê đất cũng như môi trường kinh doanh; hưởng lợi như chiến tranh thương mại và hiệp định thương tự do.
Đánh giá về đầu tư công, tiến độ giải ngân vẫn còn chậm sau 9 tháng, thực hiện 57,3% kế hoạch và không hoàn thành kế hoạch giải ngân 60% vào quý 3. Với các động thái thúc đẩy, Agriseco Research kỳ vọng đầu tư công sẽ là “đầu kéo” chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý 4 và năm 2022. Điều này tạo động lực cho đà tăng của nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công.
Đối với xuất nhập khẩu, sau 6 tháng nhập siêu liên tục thì Việt Nam đã trở lại xuất siêu 0,5 tỷ USD trong tháng 9 nhờ vào việc xuất khẩu từ các khu vực có vốn nước ngoài và các mặt hàng nông sản, hóa chất, sắt thép, điện tử. Agriseco cho rằng cán cân thương mại quý 4 sẽ có thể trở lại xuất siêu khi giá hàng hóa đã hạ nhiệt.
Tổng thể, báo cáo đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu trong cả năm 2021 khi đồng VND đang tăng so với USD. Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tốt như sắt thép, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, xăng dầu sẽ tạo ra những kỳ vọng kết quả kinh doanh các tháng cuối năm với các doanh nghiệp trong ngành.
Agriseco Research đánh giá bức tranh quý 3 ảm đạm dù là thông tin đáng thất vọng, tuy nhiên các chỉ số phần nào đã phản ánh kết quả này thông qua những phiên giảm điểm mạnh, trước khi dần hồi phục trong các phiên gần đây.
Hiện, P/E của VN-Index quanh mức 16 lần, ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Với kỳ vọng dịch bệnh được khống chế giúp các doanh nghiệp quay trở lại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Agriseco Research đánh giá thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang thấp kỷ lục.
Đồng thời, nhờ các động thái quyết liệt của Chính phủ, nhiều dự báo cho rằng Việt Nam sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022. Agriseco Research đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục hồi phục tốt khi tỷ lệ bao phủ vaccine được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại các khu vực đầu tàu kinh tế cũng sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế, tăng dòng vốn FDI vào các khu công nghiệp, tiêu dùng được đẩy mạnh.
Những nhóm ngành "trong nguy có cơ" cho quý 4/2021 và năm 2022
Bức tranh nền kinh tế vĩ mô hiện tại nhìn chung vẫn tạo ra cơ hội đầu tư tại một số nhóm ngành. Agriseco Research kỳ vọng các nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút vốn FDI toàn cầu. Ngoài ra, ngành bất động sản, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ đầu tư công khi Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh đầu kéo của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cổ phiếu bán lẻ - tiêu dùng được kỳ vọng phục hồi khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trở lại.
Cùng với đó, cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ trở nên khả quan khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, đặc biệt các hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ trở lại trạng thái bình thường. Agriseco đánh giá mảng xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ vào (1) chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển và Việt Nam là một trong những điểm đến của xu hướng trên; (2) Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại trên thế giới, giúp giảm mức thuế với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam về mức 0% và tạo động lực tăng cường giao thương và (3) nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ sau khi nền kinh tế tái khởi động.
Cụ thể, một số nhóm ngành xuất khẩu được Agriseco Research nhận định có nhiều động lực tăng trưởng trong quý 4 bao gồm sắt thép, gỗ và các sản phẩm gỗ, may mặc, thủy hải sản.
Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.