Mưa, dông diện rộng, Hà Nội dịu mát
Do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao nên thành phố Hà Nội và các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc tiếp tục xảy ra mưa, dông diện rộng kèm theo nhiều loại hình thời tiết nguy hiểm. Người dân lưu ý biện pháp phòng, tránh lốc, sét, gió giật mạnh, lũ quét, sạt lở đất…
Ảnh minh họa.
Trưa và chiều tối nay (20-7), phần lớn các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội xảy ra mưa, lượng mưa phổ biến dưới 10mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn, như tại trạm thủy văn Mê Linh 42mm, Ứng Hòa 23,7mm, Long Biên 21,8mm, Thạch Thất 17,8mm…
Với lượng mưa trên, Hà Nội không xảy ra úng ngập, hoạt động giao thông không bị ảnh hưởng lớn… Thêm vào đó, trận mưa này đã bổ sung nguồn nước quý giá cho cây trồng, làm thời tiết Hà Nội dịu mát, không khí trong lành hơn…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ đêm nay đến hết ngày 21-7, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa rào và dông; thời gian mưa tập trung vào đêm và sáng sớm; nhiệt độ cao nhất ban ngày 32-34 độ C, ban đêm 25-28 độ C. Ngoài việc ngắt nguồn điện vào các thiết bị điện tử, mạng internet, đóng kín cửa sổ, mang theo áo mưa trước khi đi làm việc, người dân không chở hàng cồng kềnh, trú tránh dưới tán cây cổ thụ; không đứng gần trạm biến áp, cột ăng ten viễn thông… để phòng tránh lốc, sét và gió giật mạnh…
Khác với thành phố Hà Nội, từ đêm nay đến ngày 22-7, các tỉnh vùng núi phía Bắc, như: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn… xảy ra mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h, có nơi cao hơn 150mm/24h. Người dân các tỉnh trên đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là ban đêm và sáng sớm…
Kim NhuệBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.