Mùa du lịch lại bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Lần thứ 4 trong vòng 2 năm qua, cơn ác mộng Covid lại đến dập tắt bao hy vọng phục hồi trở lại của các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là ngành du lịch khi đúng vào thời điểm đầu hè – mùa du lịch.
Khó khăn chồng chất
Người lao động đi làm được vài ngày đã phải nghỉ việc, các ông chủ từ lớn đến nhỏ đều ngậm ngùi đóng cửa khi dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trở lại. Cho đến nay, nhiều chủ khách sạn tại Sầm Sơn vẫn chưa hết bần thần khi nhắc đến hai từ "Covid- 19". Bà Đỗ Thị Yến - chủ khách sạn Hải Yến (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) cho biết: "Chẳng cần đợi đến lúc dịch bùng lên cao điểm mà ngay khi có thông tin ca mắc Covid mới là hàng loạt khách hàng hủy tour, hủy khách sạn".
Hàng loạt khách hàng hủy tour, hủy khách sạn khi có ca mắc Covid-19 mới. Ảnh minh họa
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, bà Yến còn vay ngân hàng 200 triệu đồng để sửa sang lại khách sạn, chuẩn bị đón hè. Được vài hôm, khách sạn mở cửa đón khách thì "cơn ác mộng" Covid-19 quay trở lại khiến mọi hy vọng làm ăn tan biến.
Còn đối với ông Lê Văn Thủy - chủ khách sạn Sunrise (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cũng đành đóng cửa khách sạn của mình để tiết kiệm tiền điện, nước, nhân công, chi phí… chứ theo ông Thủy thì "càng mở, càng chết"
"Không chỉ riêng tôi, mà nhiều khách sạn tại đây đều mở cửa cầm chừng. Mặc dù đã hạ giá phòng nhưng lượng khách vẫn vắng bóng, đìu hiu. Thời điểm hiện tại, hầu hết các khách sạn đều quay trở lại trạng thái chờ đợi vì không còn khách. Và thông tin cập nhật mới nhất, Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, các đoàn khách du lịch trong tháng 5 và tháng 6 đã hủy tới 90- 100%.
Chung tay hỗ trợ ngành du lịch
Năm 2021, dự kiến sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành du lịch. Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến việc nối lại du lịch quốc tế, khả năng phục hồi của ngành du lịch toàn cầu rất thấp.
Mặc dù, Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia phòng, chống Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, nhưng ngành du lịch Việt Nam sẽ vẫn chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh: các khu/điểm du lịch, các di tích, điểm tham quan/vui chơi giải trí nhiều lần phải đóng cửa, doanh nghiệp du lịch ngày càng khó khăn.
Cần chung tay để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong đại dịch. Ảnh minh họa
Theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lữ hành, điều quan trọng nhất là duy trì và "sống" được qua mùa Covid-19. Công việc chủ yếu của họ trong giai đoạn này là giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cùng những hậu quả, tồn đọng từ các tác động của việc khách hủy tua, bảo đảm quyền lợi của khách cũng như của công ty và các đối tác, đồng thời chăm sóc chu đáo những đoàn khách vẫn thực hiện các tua du lịch đến các vùng chưa công bố dịch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào những kế hoạch duy trì hoạt động, nghiên cứu xây dựng và làm mới sản phẩm chuẩn bị cho việc đón khách trở lại. Họ đang rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của dịch và phương hướng phục hồi sau mùa dịch.
Trong thời điểm này, các doanh nghiệp du lịch cần hợp tác hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là sự cảm thông, chia sẻ từ phía các đơn vị dịch vụ, trong đó có ngành hàng không. Các doanh nghiệp mong muốn ngành hàng không có phương án tốt nhất, thuận lợi nhất, giúp hạn chế các thiệt hại của đơn vị kinh doanh du lịch, có hướng truyền thông để khách du lịch có thể yên tâm hoãn tua trong khoảng thời gian dài hơn, tránh tình trạng hủy tua và có điều kiện thanh toán với khách.
Về phía Tổng cục Du lịch cũng cần có định hướng xây dựng chương trình kích cầu phù hợp, triển khai truyền thông, quảng bá nhiều hình thức để quảng bá cho du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên trong việc cho giãn nợ, cho phép chậm nộp thuế, hỗ trợ giảm thuế VAT đến năm 2021, có chính sách giảm các chi phí điện, nước, viễn thông đến hết năm 2020; hoãn nợ cho doanh nghiệp và có các gói cứu trợ, cung cấp gói hỗ trợ tín dụng tới các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng với lãi suất vay ưu đãi để họ bảo đảm hoạt động, duy trì nhân lực ngành. Nhiều doanh nghiệp khách sạn đã kiến nghị trước mắt cần giảm tiền điện, nước, thuê đất, nhất là tiền điện từ mức giá kinh doanh xuống bằng mức giá sản xuất.
Hy vọng rằng bằng nhiều giải pháp như vậy, doanh nghiệp du lịch Việt Nam sẽ phục hồi sau cơn địa chấn dịch bệnh Covid-19, mang lại nhiều khởi sắc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Minh ĐăngBộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.